"Không nên câu nệ về độ tuổi của đại biểu. Đã có lần tôi phát biểu trước Quốc hội rằng đại biểu Quốc hội là chính khách của quốc gia chứ không phải cán bộ công chức. Chính vì vậy, những người nào có đủ phẩm chất, năng lực, hay sức khỏe theo quy định, người đó có quyền tham gia ứng cử Quốc hội. Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đại biểu Quốc hội cũng phải là của dân, do dân và vì dân.
Điều quan trọng nhất làm sao để lựa chọn được người xuất sắc nhất, xứng đáng nhất đồng thời cũng không để lọt những đối tượng cơ hội, thiếu phẩm chất, năng lực vào Quốc hội. Nếu để lọt lưới những người không xứng đáng, dứt khoát phải có chế tài xử lý với cả những nơi giới thiệu ứng cử. Có như vậy cử tri mới hài lòng, chất lượng đại biểu mới nâng lên. Đại biểu chính là trái tim của Quốc hội. Trái tim khỏe thì Quốc hội mới khỏe được.
Cơ cấu đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng là cần thiết. Chúng ta đã có nghị quyết rất rõ về việc này. Chính vì thế, nếu người ngoài Đảng thực sự có tâm huyết, trí tuệ, sẵn sàng cống hiến, vì nước, vì dân, tôi tin họ sẽ có những đóng góp rất lớn cho Đảng, cho Nhà nước và Quốc hội.
Để đảm bảo tính dân chủ, không nên phân biệt giữa người trong Đảng hay người không phải đảng viên. Cần phải tạo điều kiện tối đa cho họ. Bất kỳ ai cũng đều có quyền, có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của Nhà nước và xã hội. Đại biểu trong hay ngoài Đảng không quan trọng, vấn đề ở chỗ họ có đủ năng lực, phẩm chất, có làm tròn được trách nhiệm, tâm huyết đối với cơ quan dân cử hay không".
(Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu quan điểm với Tiền Phong ngày 6-2).