Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ năm 2019 (VBF 2019) với chủ đề: "Vai trò của cộng đồng DN trong phát triển nhanh gắn với bền vững" đã diễn ra tại Hà Nội, vào ngày 26-6. Nhiều khuyến nghị đã được cộng đồng DN trong nước và quốc tế đề xuất với Chính phủ Việt Nam tại diễn đàn này.
Vốn lớn, hiệu quả ít
Bên cạnh những kiến nghị về thuế, phàn nàn về thanh kiểm tra, lo ngại về rủi ro tại các dự án PPP (đối tác công - tư), đề xuất nới trần giờ làm thêm, miễn thị thực tất cả các quốc gia Việt Nam có ký kết FTA..., nhiều ý kiến của đại diện các DN đề cập đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Báo cáo của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF cho thấy Việt Nam chi rất nhiều cho cơ sở hạ tầng so với GDP song lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường bộ Việt Nam đạt được rất ít thành công.
Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông tại vận tải Việt Nam tương đương khoảng 48 tỉ USD trong giai đoạn 2016-2020. Cùng với hạ tầng đường bộ, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VII cũng yêu cầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong giai đoạn 2016-2030 ước tính 148 tỉ USD. Con số này thậm chí có khả năng tăng lên trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VIII.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với các đại biểu dự diễn đàn - Ảnh: Nhật Bắc
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo trong giai đoạn 2015-2025, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 16,7 tỉ USD để tài trợ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo con số còn cao hơn, lên tới 25 tỉ USD/năm - số vốn đầu tư cao hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2011-2015.
"Điều đáng nói, nợ công đã và đang chạm đến mức trần do Việt Nam đặt ra. Điều này có nghĩa là để phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, sẽ cần thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân để tài trợ cho các dự án" - ông Tony Foster, Trưởng Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF, nhấn mạnh.
Hiện tại, mức đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân ước tính chỉ chiếm tối đa 12% lượng đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015.
Minh bạch đầu tư
Nhóm công tác chỉ ra những thách thức với việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng mà trước hết nằm ở thông lệ lựa chọn nhà đầu tư dựa vào cạnh tranh về mức giá thấp nhất, thay vì tính đến năng lực kỹ thuật và tài chính. Các nhà đầu tư "giá rẻ" sau khi được lựa chọn thường yêu cầu tăng chi phí đầu tư lên nhiều lần ở các giai đoạn sau của dự án, đồng thời giá rẻ thường đi đôi với công nghệ chất lượng thấp hơn và thiếu các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, sự thiếu tính minh bạch khi giao dự án và lựa chọn nhà đầu tư cũng khiến các nhà đầu tư có uy tín e ngại khi tham gia đấu thầu. Từ đó, nhóm công tác đề xuất tránh việc đầu tư chỉ dựa vào mức giá, tạo ra các điều kiện phù hợp, trong đó có việc bảo đảm tính minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư để thu hút các nhà đầu tư uy tín…
Lắng nghe các ý kiến của cộng đồng DN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục quyết tâm triển khai các nhóm giải pháp lớn trong thời gian tới: Giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bền vững nhằm tạo ra các kết nối "thông minh", giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết hoàn thiện thể chế; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.