Trích dẫn từ "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có hơn 714.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Ba năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều trên 100.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp; năm 2017 có 126.859 doanh nghiệp và năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo công bố sách trắng chiều 10/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, con số 714.000 doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có mã số thuế, đang thực hiện việc kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp đang hoạt động không bao gồm doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020, ông Bích Lâm cho rằng trong 2 năm tới cần 250.000 doanh nghiệp mà với tình hình như năm 2018 số doanh nghiệp đăng ký tăng kỷ lục thì dù mục tiêu có khó nhưng không phải không đạt được. "Nếu số lượng doanh nghiệp thành lập năm 2019 và 2020 bằng năm 2018 (131.000 doanh nghiệp) thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có khoảng 970.000 doanh nghiệp", ông Lâm tính toán.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, hiện nay tổng điều tra cả nước có khoảng hơn 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể. "Khu vực hộ kinh doanh cá thể hàng năm đều có điều tra đánh giá, quan trọng là cần phải có biện pháp về thuế, kế toán để khuyến khích các hộ cá thể trở thành doanh nghiệp", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng việc "ép" 5,3 triệu hộ cá thể lên doanh nghiệp là điều vô lý và không khả thi. Nếu cứ tư duy kinh doanh là doanh nghiệp và các hộ sẽ trở thành doanh nghiệp là không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Điều này không có ý nghĩa đối với nền kinh tế ngoài việc tận thu thuế. Nếu sử dụng mệnh lệnh hành chính để ép các hộ cá thể thành doanh nghiệp họ có thể chấm dứt làm ăn.
Hơn nữa việc từ cá thể lên doanh nghiệp sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh, không chỉ là nộp thuế. Các hộ kinh doanh phải thành lập tổ chức kinh tế dưới hình thức doanh nghiệp có nghĩa là họ phải có bộ máy gồm giám đốc, kế toán... Như thế chi phí kinh doanh sẽ rất lớn, tạo gánh nặng cho các hộ kinh doanh và cuối cùng, hàng hoá đến tay người tiêu dùng qua nhiều khâu lòng vòng, chỉ số giá tăng theo.
"Bắt hộ cá thể lên doanh nghiệp chẳng có ý nghĩa gì, hàng hoá từ khâu sản xuất đến tay người dùng sẽ tăng cao hơn, nền kinh tế không được lợi gì, bản chất vẫn là buôn thúng bán bưng mà thôi", vị chuyên gia này nói và cho biết thêm, nền kinh tế muốn tốt lên thì cần tư duy lại về phương thức tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp cận đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà khu vực kinh tế Nhà nước không nắm giữ nữa.
Đồng thời, cần chống tham nhũng vặt quyết liệt vì tham nhũng vặt nhưng đó chính là nguyên nhân của kinh tế ngầm phát triển.