Trước việc giá xăng, dầu tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu vào sản phẩm, dịch vụ tăng cao và đặt nhiều kỳ vọng vào việc Chính phủ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp các khoản thuế, phí để đảm bảo hài hoà giá cả.
DĐDN đã có buổi trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế về những giải pháp cần thiết giúp giảm chi phí đầu vào.
- Theo đánh giá của ông, giá xăng dầu tăng tác động thế nào đến chi phí của doanh nghiệp sản xuất, giá vốn và nền kinh tế nói chung?
Hiện nay, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng mạnh, nhưng sản lượng khai thác không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung bị thắt chặt. Đồng thời, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông năm 2021 được dự báo là khắc nghiệt, lạnh sớm và lạnh sâu, nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá cả leo thang. Từ đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi việc tăng giá theo thị trường quốc tế.
Vấn đề đặt ra là, giá xăng tăng là một trong những nhân tố gây ra lạm phát tăng. Mà tác động đầu tiên là gây khó khăn cho các doanh nghiệp về vận tải. Với các hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ khác, sẽ tuỳ theo mỗi ngành, nhưng hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Do đó, sự tăng giá này sẽ tác động mạnh vào giá thành sản phẩm. Đây được xem là một thách thức lớn, vì nó sẽ không có độ trễ mà ta có thể thấy các hệ quả phản ánh vào nền kinh tế tức thời.
- Vậy theo ông, vấn đề này sẽ đe doạ phục hồi kinh tế ra sao và cần có giải pháp gì để đối phó?
Chúng ta đều thấy rằng, tăng trưởng quý 3 năm nay âm 6,2%, với diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp trong quý 4 và các quý tiếp theo, cho nên câu chuyện phục hồi kinh tế vốn dĩ đã gặp nhiều rào cản. Trong khi đó, giá xăng tỷ lệ nghịch với tăng trưởng GDP, giá xăng càng tăng cao thì sẽ làm giảm chỉ số GPD ở một mức tương ứng.
Mặt khác, nhiều chuyên gia đã nhận định, để phục hồi nền kinh tế nhất thiết phải tăng tổng cầu, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và tiền tệ. Do đó, khi tăng giá thành sản phẩm nhưng thu nhập người dân không tăng, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu, phân bổ lại các khoản tiền phục vụ cho tiêu dùng để hài hoà về mặt tài chính, vô hình chung tổng cầu sẽ bị tác động và về lâu dài sẽ kéo dài thời gian phục hồi kinh tế lại.
Theo tôi, chỉ có một cách là các doanh nghiệp cố gắng tăng thêm hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm các chi phí tối đa, tận dụng hết tất cả các nguồn lực, công suất để giá thành sản phẩm không bị tăng quá cao, tiếp tục cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài. Còn câu chuyện chỉ số giá cả (CPI) và lạm phát tăng lên là điều khó tránh, nhưng làm sao kiềm chế được các chỉ số này một cách tối thiểu là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tăng cường các chính sách giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường,...
Theo nhiều dự báo thì giá xăng dầu có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nên Chính phủ, các Bộ ngành cũng cần bám sát diễn biến, có những đối phó linh hoạt, thận trọng, không để giá cả ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và lạm phát của nền kinh tế.
- Với quan điểm của ông thì quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay có đủ và có nên sử dụng quỹ này vào điều chỉnh giá xăng?
Có nhiều ý kiến cho rằng, có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý, sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu. Nhưng theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên can thiệp bằng quỹ bình ổn giá xăng, bởi vì nếu để giá xăng giảm xuống thấp, sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam ra nước ngoài. Mà điều đó thì chúng ta không thể chống đỡ được khi bù giá.
Trong bối cảnh Việt Nam đã liên kết sâu rộng với nền kinh tế khu vực, việc chấp nhận theo giá xăng quốc tế là điều không thể tránh khỏi. Nếu có can thiệp, thì tối ưu nhất là tiết giảm chi phí ở các khu vực khác để hài hoà và chỉ can thiệp một cách rất hạn chế, tránh tạo ra khoảng chênh lệch quá lớn, kích thích buôn lậu xăng dầu tăng cao.
- Xin cảm ơn ông!