Vị chuyên gia kinh tế nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra nhận định này tại hội thảo “Chữ Thời trong kinh doanh” vừa được Học viện Khởi Nghiệp Thành Công và Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức.
Cũng tại đây, hai đơn vị này đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 – 2023 nhằm phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền và tổ chức các chương trình đào tạo khởi nghiệp.
Trước đó, ngày 7/9, Học viện Khởi Nghiệp Thành Công cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre và Tỉnh đoàn Bến Tre. Theo đó, sẽ tổ chức các chương trình đào tạo cho đoàn viên, thanh niên đang có mong muốn khởi nghiệp nhằm thúc đẩy phong trào Đồng Khởi Khởi Nghiệp do Tỉnh ủy Bến Tre phát động.
Theo TS Võ Trí Thành, nói đến khởi nghiệp/startup không thể không bàn về hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp/startup chỉ một cộng đồng bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp/startup và tăng trưởng nhanh.
Với Việt Nam, một hệ sinh thái khởi nghiệp/startup lành mạnh trước hết là phải được “may đo” theo môi trường riêng, chứ không phải là tìm kiếm một “thung lũng silicon tiếp theo”…
Đồng thời, hệ sinh thái đó phải vận hành trong một môi trường giảm thiểu được các trở ngại quan liêu hành chính, chính sách phải hỗ trợ các nhu cầu thật sự của khởi nghiệp cũng như biết dung thứ những đầu tư mạo hiểm thất bại.
Hệ sinh thái phải tương đối tự do thoát khỏi, hoặc có khả năng thay đổi những thành kiến văn hóa đối với thất bại hay cách thức vận hành kinh doanh; biết thúc đẩy thành công, và nhờ đó lại hấp dẫn các dự án mạo hiểm mới. Bên cạnh đó, luôn có đối thoại hỗ trợ giữa các bên liên quan đến khởi nghiệp…
“Việt Nam đã và đang nỗ lực đi theo những định hướng như vậy. Tiến bộ có và trở ngại, khó khăn cũng không ít”, ông Thành nói và cho biết có hai chiều cạnh cần quan tâm nhất đối với khởi nghiệp/startup ở Việt Nam là nhân tố con người và việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp/startup.
“Khởi nghiệp/startup Việt cũng có khá nhiều ý tưởng hay, độc đáo. Song điểm yếu là thiếu hoạch định chiến lược và kế hoạch kinh doanh khả thi. Chính điều này đã làm “chết yểu” một tỷ lệ không nhỏ startup ngay trong 1-2 năm đàu tiên. Điểm nữa là họ thường thiếu là khả năng làm việc theo nhóm”, ông Thành nhận định.
Về cả hệ sinh thái khởi nghiệp/startup, Việt Nam hiện đã có đủ, dù về cơ bản mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển, các cấu phần của hệ sinh thái, bao gồm: Chính sách và hành lang pháp lý; kết cấu hạ tầng; tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính startup; văn hóa khởi nghiệp; tổ chức cá nhân hỗ trợ phát triển năng lực startup; trường đại học; đào tạo huấn luyện; nhân lực (có chất lượng); thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Thành, thúc đẩy khởi nghiêp/startup rất gắn bó với việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Mầm đã gieo và Việt Nam có những tiền đề nhất định cho một “quốc gia khởi nghiệp”. Vấn đề là Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào việc bồi đắp khát vọng, phát triển kỹ năng kinh doanh, cùng cách hỗ trợ phù hợp gắn với nhân tố tri thức, kinh nghiệm và sự sáng tạo cá nhân.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kể từ 2006, Việt Nam đã thực hiện hàng chục cải cách về thể chế, pháp lý trên gần như tất cả các lĩnh vực, từ thủ tục thành lập doanh nghiệp, tiếp cận và minh bạch hóa thông tin tín dụng, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ, tuyển lao động...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn nữa đối với việc cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh, nhất là các chỉ số còn thấp về điểm và thứ hạng , như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.
“Hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế vẫn là một thách thức”, ông Thành nói.
Phát biểu tại hội thảo, CEO Đặng Đức Thành cho rằng điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp và phát triển thành công một doanh nghiệp đó là sản xuất hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp phải bán được hàng; nói gọn lại là sản xuất ra phải đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Yếu tố chữ “thời” trong kinh doanh cần nhất là công tác nghiên cứu thị trường, xem nhu cầu thực của ngành mình kinh doanh. Trường hợp sản xuất ra sản phẩm không có nhu cầu, hoặc nhu cầu thì ít trong khi các công ty đã cung ứng thừa, khả năng thành công sẽ ở mức độ rất thấp, vất vả liên tục”, ông Thành nhận định.
Cùng với đó, hiện nay cũng là “thời” của liên kết, hợp tác tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều trường hợp, khởi nghiệp và xây dựng thành công một doanh nghiệp phát triển bền vững chỉ làm một việc duy nhất là trở thành một doanh nghiệp cung ứng trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Đây cũng là “thời” của doanh nghiệp thông thạo ngoại ngữ, thông thạo văn hóa kinh doanh quốc tế; “thời” của công ty cổ phần niêm yết “sớm” trên thị trường chứng khoán; “thời” của các công ty, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bài bản chuyên nghiệp, gắn với internet, facebook, công nghệ số...
“Cần nhất là kinh doanh trí tuệ, sáng tạo, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số ... chỉ như vậy mới có cơ hội thành công nhanh, phát triển bền vững”, ông Thành nói.