Cần tăng để đủ bù trượt giá
Lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng gần nhất từ ngày 1/1/2020 (thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19), với mức tăng bình quân 5,5% so với lương áp dụng năm 2019. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 tăng từ 4,1 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 240 nghìn đồng/tháng); lương vùng 2 tăng từ 3,7 triệu đồng lên 3,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 210 nghìn đồng/tháng); lương vùng 3 tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 180 nghìn đồng/tháng); lương vùng 4 tăng từ 2,9 triệu đồng lên 3,07 triệu đồng/người/tháng (tăng 150 nghìn đồng/tháng).
Bộ LĐ-TB&XH vừa phê duyệt kế hoạch điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp để làm cơ sở cho họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2023. Trong khi đó, cơ quan đại diện cho người LĐ và tổ chức đại diện cho người sử dụng LĐ viện các lý do cho các ý kiến khác biệt quá xa của mình.
Bộ LĐ-TB&XH cơ quan thường trực Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: Sẽ tiến hành điều tra về LĐ, tiền lương và mức sống tối thiểu của người LĐ trong các loại hình DN năm 2022 tại 18 tỉnh thành. Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, tiền lương và mức sống tối thiểu của người LĐ, làm cơ sở cho họp bàn điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách liên quan.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia (đại diện cho phía người LĐ) cho rằng: Hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của DN vì ảnh hưởng dịch bệnh, nên lương tối thiểu đã không tăng. Hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi, dù có DN khó khăn, nhưng cũng nhiều DN hoạt động tốt, đột phá về doanh thu, lợi nhuận kể cả khi xảy ra dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh, người LĐ cũng gặp rất nhiều khó khăn, cạn kiệt nguồn lực sau giai đoạn giãn cách, nhưng 2 năm chưa được tăng lương.
Bộ LĐ-TB&XH dự kiến giữa năm nay sẽ họp bàn chuyện tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2023 Ảnh minh họa: Như Ý
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần đề xuất tăng lương tối thiểu, kể cả trong năm 2021, rồi nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, với tiến trình điều tra lao động, tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH thì việc tăng lương nếu nhanh cũng phải sang năm 2023 mới thực hiện được”, ông Hiểu nói. Theo ông Hiểu, công nhân ngừng làm việc tập thể, đòi quyền lợi vào khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua đều liên quan tới vấn đề lương và thu nhập. Do đó, nhu cầu tăng lương của người LĐ là chính đáng, việc tăng lương sớm giúp ổn định tình hình quan hệ LĐ, người LĐ yên tâm công tác và nỗ lực vì DN. Bên cạnh đó, DN cũng cần xem tăng lương là khoản đầu tư, giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người LĐ. Người LĐ phải đủ ăn, đủ mặc mới đủ sức làm việc.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động) cho rằng, không thể lùi việc tăng lương tối thiểu thêm được nữa, vì nếu năm nay không tăng, thì tròn 3 năm lương tối thiểu không được điều chỉnh tăng. Mức tăng ra sao cần khảo sát và trao đổi thêm, nhưng cố gắng tăng để bù trượt giá, khi 2 năm qua chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 5%...
“Do dịch bệnh, DN khó khăn, nhiều DN đã 2 năm qua không thêm bất kể phụ cấp hay chi phí nào cho người LĐ, trong khi giá cả leo thang. Thực tế này dẫn tới ở một số nơi, công nhân ngừng làm việc đòi quyền lợi. Nếu để dồn nhiều năm mới tăng lương tối thiểu một lần, trong khi các chỉ số đánh giá đều biến động, sẽ dễ dẫn tới các cú sốc chính sách. Vì vậy, có thể tăng nhiều lần nhưng mức tăng thấp sẽ dễ thực hiện hơn”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, việc tăng lương tối thiểu cũng nên được thông tin và quyết định sớm để các DN chuẩn bị.
Tăng lúc này sẽ khó cho DN ?
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC) - cơ quan đại diện người sử dụng LĐ cho rằng, ưu tiên trước mắt của DN là tận dụng tối đa cơ hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động của DN và cuộc sống người LĐ. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù khó khăn, nhiều DN vẫn cố gắng có thưởng Tết cho người LĐ, thậm chí có chủ DN còn bán cả tài sản cá nhân để lo lương thưởng cho người LĐ. Điều đó rất đáng trân trọng và chia sẻ. Qua lương thưởng cũng thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa DN và người LĐ.
“Tăng lương là nguyện vọng chính đáng của NLĐ, cũng có thể xem đây là giải pháp để khôi phục thị trường LĐ, thu hút người LĐ trở lại thành phố, nên cần xem xét. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều DN đã trả lương cho người LĐ trên mức lương tối thiểu, tăng lương tối thiểu chủ yếu tác động tới các DN sử dụng nhiều LĐ giản đơn. Đa số DN trả lương ở mức cao hơn mức tối thiểu, chỉ tăng lương tối thiểu sẽ ít bị phản đối, nhưng lương tối thiểu là mức sàn để tính bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, nên cần tính toán cho hài hoà”, ông Phòng nói. Theo ông Phòng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 năm qua lương tối thiểu không tăng, nên nếu tăng cần phải tính toán kỹ. Trên thực tế có xảy ra thiếu LĐ, bản thân người LĐ cũng cần mức lương đủ đáp ứng mức sống tối thiểu, chủ sử dụng LĐ cũng phải tính tới điều đó.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, sau 2 năm chưa tăng đến nay, cần xem xét để tăng lương tối thiểu là cần thiết. Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh thực tế của DN hiện nay thấy rõ để tăng lương cũng không phải dễ. “DN cũng gặp khó, người LĐ cũng khó khăn, để xem xét có tăng lương tối thiểu hay không, mức tăng ra sao vẫn cần thêm kết quả khảo sát thực tế của Bộ LĐ-TB&XH. Tới nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần được phục hồi, nên cũng cần phải xem xét việc tăng lương, ít nhất để đủ bù trượt giá”, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia nêu quan điểm.