Số các ngân hàng tăng lãi suất chiếm áp đảo trong hệ thống, mức tăng cao nhất lên đến 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Lãi suất tăng chủ yếu ở kỳ hạn trung và dài hạn, vì còn mấy tháng nữa theo yêu cầu của Thông tư 06, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thay vì mức 45% vì vậy cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn. Tại kỳ hạn ngắn tăng lãi suất là tình trạng đơn lẻ của một số ngân hàng cần vốn.
Bên cạnh đó, hiện tượng room tín dụng tại một số ngân hàng đã hết mà Ngân hàng nhà nước không chấp thuận cho nới room tín dụng, nhu cầu về vốn giảm đi nên kỳ hạn ngắn hạn một phần do room tín dụng sử dụng hết rồi nên không có nhu cầu tăng lãi suất cho kỳ hạn ngắn.
Theo ông lãi suất tiết kiệm tăng, lãi suất cho vay có tăng theo?
Tôi không nghĩ lãi suất cho vay tăng, tại thời điểm này lãi suất cho vay được duy trì ổn định. Tuy nhiên, không ngoại trừ lãi suất cho vay tăng thời gian tới vì vấn đề huy động vốn, tăng lãi suất kỳ hạn dài và nhiều món cho vay là trung và dài hạn.
Lãi suất tiết kiệm tăng là tình thế ngắn hạn hay xu thế tất yếu, thưa ông?
Vấn đề tăng lãi suất có nhiều nguyên do và có thể không phải động thái tức thì mà từ nay đến cuối năm còn tiếp diễn ở kỳ hạn trung và dài hạn.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào vấn đề tỷ giá, hiện có nhiều áp lực đẩy tỷ giá lên, với tỷ giá tăng như thế này có thể áp lực lên mặt bằng lãi suất, đặc biệt lãi suất phải duy trì ở mức tương đối cao để hạn chế áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá thời gian tới FED có thể tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo áp lực, phải duy trì chênh lệch lãi suất tiền USD và VND, nếu tỷ giá tăng người ta có thể rút tiền đồng và mua vào USD.
Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát chặt hơn tăng trưởng tín dụng trong năm nay với mục đích hỗ trợ kiểm soát lạm phát bằng việc định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 một cách chặt chẽ hơn, theo ông có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng?
Dĩ nhiên các ngân hàng sẽ khó khăn trong việc đạt được chỉ tiêu lợi nhuận, Ngân hàng nhà nước có lẽ rất khó để nới room cho ngân hàng do đó các ngân hàng có thể phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận do room tín dụng đã bị chặn bởi Ngân hàng nhà nước.
Ngoài việc tăng trưởng tín dụng nếu muốn duy trì chỉ tiêu lợi nhuận phải cạnh tranh trên thị trường cho vay các tổ chức tín dụng khác, vay trái phiếu Chính phủ nhưng ở thị trường 2 mức độ lợi nhuận thấp hơn. Bên cạnh đó có thể phải đẩy mạnh các nguồn thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí hoạt động… Mặc dù có cố gắng nhưng có thể khó bù trừ được sự giảm lợi nhuận từ việc room tín dụng không được tăng.
Xin cảm ơn ông!