Quy định này nhằm tăng cường xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo (SHC) và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan. Dù vậy, vẫn cần thêm nhiều giải pháp mạnh khác để xử lý SHC nhanh hơn, thực chất hơn.
Nhiều quy định kiểm soát SHC
Điều 55, Luật Các TCTD 2010, quy định việc sở hữu VĐL trong 1 TCTD của cổ đông là cá nhân không được vượt quá 5%; cổ đông là tổ chức không được vượt quá 15%; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được vượt quá 20%.
Năm 2015, NHNN ban hành Thông tư yêu cầu các TCTD phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phải giải quyết trước ngày 31-12-2015, nhưng sau đó dời thời hạn đến ngày 30-6-2019.
SHC là vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động NH, dẫn đến khó quản lý dòng vốn, việc lợi dụng các mối liên kết để thao túng thị trường sẽ gây rủi ro lớn không chỉ với khách hàng, còn cho cả hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế.
TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH,
Giám đốc Chương trình
giảng dạy kinh tế Fulbright
Đồng thời, Luật Các TCTD sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định thêm cổ đông lớn của 1 TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên VĐL của 1 TCTD khác. Những quy định này nhằm quản lý việc SHC trong hệ thống NHTM Việt Nam.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến tháng 9-2018, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, SHC. Số cặp SHC trực tiếp lẫn nhau của các TCTD đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và doanh nghiệp (DN) giảm từ 56 cặp tại thời điểm tháng 6-2012 xuống còn 4 cặp tại 4 NH.
Theo đó, còn 4 NH có cổ đông là DNNN sở hữu cổ phần chiếm trên 15% VĐL; 3 NH có cổ đông là nhóm những người có liên quan với nhau sở hữu cổ phần chiếm trên 20% VĐL; 3 NH có cổ đông lớn và người có liên quan sở hữu cổ phần trên 5% tại TCTD khác; 2 NH nắm giữ cổ phần của hơn 2 TCTD khác, 1 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần của TCTD khác.
Cuối năm 2018, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 46 có hiệu lực từ ngày 1-3-2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2015, quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của 1 TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên VĐL của 1 TCTD khác.
TCTD đầu mối có nhiệm vụ phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện, đảm bảo chậm nhất ngày 31-12-2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung. Đối với các trường hợp sở hữu vượt giới hạn khác, NHNN sẽ xử lý theo Thông tư 06/2015.
Nhưng vẫn còn nhùng nhằng
Việc NHNN yêu cầu rà soát lại các cổ đông lớn sở hữu cổ phần vượt giới hạn nhắm vào các vấn đề truy soát lợi ích nhóm tại các NH là hợp lý. Qua đó, NHNN có thể thấy rõ cơ cấu cổ đông của mỗi NH, xem cổ đông nào là người có thực quyền trong NH và có những người liên quan nào, từ đó có biện pháp chấn chỉnh phù hợp.
Các NH tại Mỹ tuân thủ rất nghiêm ngặt quy định về tỷ lệ sở hữu của cổ đông. Nếu NH Trung ương và cơ quan giám sát điều tra phát hiện sai phạm vượt giới hạn sở hữu, sẽ xử lý rất nặng. Do đó các cổ đông, tổ chức phải thoái vốn để đạt được tỷ lệ yêu cầu.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU,
chuyên gia tài chính NH
Bởi vấn đề lợi ích nhóm trong thời gian qua đã gây tổn hại cho ngành NH, đưa nhiều NH vào khủng hoảng do những cổ đông chính núp bóng dưới những người có liên quan. Với quy định này, cơ quan quản lý cần quyết liệt yêu cầu các TCTD thực hiện. Bởi thực tế cách đây 4-5 năm, NHNN đã yêu cầu các NH báo cáo tình hình sở hữu của các cổ đông lớn, nhưng sau đó không có kết quả nào được công bố.
Theo một chuyên gia tài chính, việc cá nhân có thể sở hữu đến 10% cổ phần của TCTD, còn tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 5%, được lý giải cá nhân ít có ảnh hưởng đến các TCTD so với các tổ chức, nên trần tỷ lệ sở hữu của cá nhân cao hơn tổ chức. Phần nữa, các tổ chức có khả năng thao túng nhiều hơn cá nhân, nên trần tỷ lệ sở hữu thấp cũng nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng vị trí của các tổ chức.
Đồng thời, cá nhân dù được bầu vào ban quản trị của NHTM chỉ với tư cách là thành viên ban quản trị, không phải với tư cách là đại diện của pháp nhân. Tức cá nhân đó phải hành động vì lợi ích của tất cả cổ đông, không phải chỉ vì lợi ích riêng của pháp nhân được cá nhân đó đại diện. Còn việc NH mua cổ phiếu của NH khác vượt giới hạn quy định do nguyên nhân lịch sử để lại của ngành NH, cũng như do tính tuân thủ quy định của hệ thống NH Việt Nam chưa cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Hay Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 15-1-2018 có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế SHC, nhưng mới giải quyết được vấn đề hình thức. Chẳng hạn, quy định chủ tịch HĐQT của 1 TCTD không đồng thời là chủ tịch HĐQT của DN khác. Nhưng thực tế quy định này không hiệu quả. Mục đích nhằm tránh lạm quyền của chủ tịch HĐQT, nhưng họ sẽ núp bóng dưới hình thức khác.
Vì thế, kiểm soát NH phải bằng luật, chẳng hạn các chủ tịch HĐQT được phân bổ quyền lực như thế nào, thực thi quyền lực đến mức nào. Đồng thời phải áp dụng quản trị NH theo Basel II, HĐQT không điều hành NH, chỉ đóng vai trò quản trị, định hướng, chiến lược, giám sát, còn ban điều hành thực hiện các hoạt động của NH theo Thông tư 13. Hiện nay vẫn chưa có sự phân định rạch ròi giữa quản trị và quản lý tại các NH.
Phải hoàn thiện quy trình
Để xử lý triệt để vấn đề SHC trong hệ thống NH, thời gian qua nhiều đề xuất cần có những quy định cụ thể về người có liên quan, người sở hữu cuối cùng và mở rộng đối tượng phải công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu. Điều này xuất phát từ thực tế các quy định hiện hành về người có liên quan của cổ đông không bao trùm hết, sự nhập nhằng trong các mối quan hệ liên quan vẫn tạo cơ hội cho SHC được che giấu, không xác định được ai là người sở hữu cuối cùng. Thông qua những pháp nhân và thể nhân khác nhau, 1 cá nhân có thể sở hữu vượt những quy định trên.
Luật hiện nay chỉ quy định cổ đông và các bên liên quan bao gồm gia quyến của chính cổ đông đó, chưa bao gồm gia quyến của gia đình vợ/chồng của cổ đông đó. Do vậy, để khắc phục khó khăn trong quản lý, giám sát sở hữu, đầu tư chéo, cần hoàn thiện quy định hiện hành về xác định rõ người liên quan, bổ sung quy định về người sở hữu cuối cùng, trao cho cơ quan thanh tra, giám sát NH quyền xác định người sở hữu cuối cùng dựa trên nguyên tắc theo luật định.
Về quản trị, cần xem xét áp dụng cách làm của Hàn Quốc. Đó là việc buộc các NH niêm yết phải có tối thiểu 1/4 thành viên ban quản trị là các thành viên độc lập từ bên ngoài. Thành viên độc lập này phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe, như không đang làm việc cho NH, hoặc công ty trực thuộc NH; không có mối quan hệ với người có liên quan đang sở hữu lượng cổ phần nhất định của NH…
Các thành viên độc lập có vai trò đưa ra các quyết định có tính khách quan và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ đông nhỏ lẻ do các cổ đông lớn, cổ đông có quyền kiểm soát NH thông qua SHC gây ra.
Trước đây, giải pháp cơ bản và hiệu quả được NHNN kỳ vọng để xử lý triệt để SHC, là yêu cầu các TCTD trong liên minh tiến hành sáp nhập, hợp nhất (M&A). Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu mới có 2 trường hợp M&A do quan hệ SHC. Hiện có 3 NH đang có cùng 1 cổ đông lớn và người có liên quan sở hữu cổ phần trên 5%, nhưng các NH này vẫn chưa có ý định M&A để giải quyết tình trạng này.
Do đó, NHNN nên xem xét các trường hợp này, buộc các NH thực hiện M&A thay vì để họ tự nguyện, vừa đạt được mục tiêu giảm số lượng nâng chất lượng, vừa xử lý được vấn đề SHC tại các NH này.
Rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên VĐL của 1 TCTD khác và khắc phục tình trạng này, đã đến lúc không thể nhân nhượng, phải làm dứt khoát.