Chưa có dấu hiệu chấm dứt vào năm nay, cơn khủng hoảng chip toàn cầu giờ đây ước tính gây tổn thất đến 210 tỷ USD cho các nhà sản xuất ô tô, theo hãng tư vấn AlixPartners.
Dự báo tổn thất mới đã tăng gấp gần 2 lần so với dự báo ở mức 110 tỷ USD hồi tháng 5. Trước đó hồi tháng 1, hãng tư vấn có trụ sở tại New York này dự đoán các nhà sản xuất ô tô sẽ mất 60,6 tỷ USD doanh thu do thiếu hụt chip, dẫn đến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất.
"Tất nhiên, mọi người đều kỳ vọng cơn khủng hoảng chip sẽ sớm qua đi. Không may là các vấn đề như tình trạng phong tỏa tại Malaysia khiến cho mọi việc càng đi xa hơn", Mark Wakefield, đồng phụ trách mảng công nghiệp ô tô, tại AlixPartners cho biết.
Trong dự báo mới, AlixPartners cho biết sẽ có 7,7 triệu chiếc xe sẽ không thể đến tay người tiêu dùng, tăng lên so với mức 3,9 triệu xe của dự báo hồi tháng 5.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, trong đó có Ford Motor hay General Motors đã cảnh báo về việc doanh thu sẽ sụt giảm do tình trạng thiếu chip. Tuy nhiên, họ cũng được bù đắp phần nào bằng việc kiếm được lợi nhuận cao hơn nhờ giá xe tăng kỷ lục.
Trong dự báo gần đây, Ford cho biết họ có thể mất đi 2,5 tỷ USD doanh thu trong năm 2021 do tình trạng thiếu chip. GM cũng dự báo tình trạng tương tự với mức thâm hụt khoảng 1,5-2 tỷ USD.
Chip bán dẫn là linh kiện đặc biệt quan trọng trên các bộ phận của ô tô như hệ thống thông tin giải trí cùng một số linh kiện cơ bản như phanh hay trợ lực điện của vô lăng. Tùy vào mẫu xe, các chuyên gia cho biết một chiếc xe có thể sở hữu hàng trăm bộ chip bán dẫn. Các phương tiện càng cao cấp, sở hữu nhiều tính năng an toàn cũng như giải trí cao cấp thì càng sở hữu nhiều loại chip.
"Có tới 1.400 con chip trong một phương tiện phổ thông này nay. Con số này ngày càng tăng lên khi thị trường đang hướng đến xe điện. xe kết nối hoặc xa hơn nữa là xe tự lái", Dan Hearsch - Giám đốc quản lý mảng công nghiệp ô tô của AlixPartners cho biết.
Tham khảo: CNBC