Gần như toàn bộ việc chuyển dịch dữ liệu hàng ngày trên thế giới đang diễn ra thông qua những sợi cáp dưới đại dương. Các vệ tinh liên lạc cũng được sử dụng cho việc này nhưng thị phần của chúng chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi các nước như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là những người kiểm soát thị trường cáp này, sự thống trị của họ không an toàn như họ tưởng.
Một đối thủ đáng gờm khác đang muốn giành lấy thị phần lớn hơn từ thị trường quan trọng này. Hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, Huawei đã làm cả ngành công nghiệp này phải chú ý khi họ đã hoàn tất một đường cáp nối giữa Nam Mỹ và châu Phi dù mới chỉ bước chân vào lĩnh vực này từ một thập kỷ trước.
Sự trỗi dậy của Huawei
Hiện có gần 400 cáp ngầm nằm dưới đáy các đại dương trên toàn thế giới. Chúng chính là cầu nối để đưa bất kỳ email hay file kỹ thuật số nào từ lục địa này sang lục địa khác. Bên cạnh đó các quốc gia còn tự mình vận hành vô số những sợi cáp ngầm bí mật dưới biển để phục vụ cho các mục đích quân sự.
Người dẫn đầu trên thị trường toàn cầu về cáp ngầm dưới biển là hãng SubCom của Mỹ, hãng NEC của Nhật Bản và hãng Alcatel-Lucent của châu Âu đứng thứ hai và ba. Cùng nhau các công ty này kiểm soát hơn 90% tổng chiều dài các đường cáp biển trên toàn cầu.
Từ khoảng một thập kỷ trước, Huawei đã xâm nhập vào mảng kinh doanh này bằng cách thiết lập một liên doanh với công ty Anh Global Marine Systems. Họ mở rộng sự hiện diện của mình bằng cách trải các đường cáp liên kết ngắn trong khu vực, như Đông Nam Á và vùng Viễn Đông của Nga. Nhưng đến cuối tháng 9 vừa qua, Huawei gây ngạc nhiên cho các nhà lãnh đạo trong ngành bằng cách hoàn thành đường cáp dài 6.000 km xuyên Đại Tây Dương, nối giữa Brazil và Cameroon.
Trong thời kỳ từ 2015 đến 2020, Huawei dự kiến hoàn thành 20 đường cáp mới – phần lớn là các đường cáp ngắn dưới 1.000 km. Nhưng ngay cả khi hoàn thành mục tiêu này, thị phần của Huawei vẫn chỉ chiếm dưới 10%. Tuy nhiên, trong dài hạn, công ty có thể trỗi dậy như một đối thủ đáng gờm.
Ước tính, hiện nay Huawei đã tham gia khoảng 30 dự án cáp ngầm dưới biển. Công ty cũng cho biết đang có trong tay khoảng 60 dự án khác nhằm nâng cấp các trạm kết nối cáp để tăng cường dung lượng truyền tải.
Sự trỗi dậy của Huawei có thể giải thích bằng ít nhất 3 nguyên nhân chính:
Đầu tiên, việc chỉ trong một thập kỷ, Huawei đã có thể triển khai các đường cáp dài cho thấy năng lực của mình có thể thách thức các đối thủ kỳ cựu trên thị trường. Bên cạnh đường cáp Brazil – Cameroon, người khổng lồ Trung Quốc còn xây dựng đường cáp nối giữa Pakistan và Kenya, giữa Djibouti và Pháp.
Thứ hai, Huawei đã có sẵn các công nghệ mang tính cạnh tranh cao dành cho cơ sở hạ tầng viễn thông trên đất liền. Họ có thể tận dụng điều này để cung cấp các repeater dưới nước - hay các thiết bị để khôi phục sự suy giảm về cường độ tín hiệu cáp quang trên đường di chuyển - và thiết bị truyền tải trong các trạm kết nối trên mặt đất.
Thứ ba, Huawei được hưởng lợi từ chính sách của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên toàn thế giới, thông qua Sáng kiến Vành Đai và Con Đường. Trong khi không thể biết chính xác Huawei đã nhận được bao nhiêu từ Bắc Kinh, nhưng nó đã mang lại lợi thế quan trọng giúp cắt giảm đáng kể chi phí so với các đối thủ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Rủi ro tiềm tàng cho các quốc gia như Mỹ và đồng minh
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của người khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nhà lập pháp về an ninh tại Mỹ, Nhật và Úc. Không chỉ về các vấn đề bảo mật dữ liệu khi công ty này nắm trong tay hệ thống cáp ngầm dưới biển, mà còn các vấn đề về địa chính trị.
Cho dù các chuyên gia bảo mật cho rằng việc chặn bắt thông tin được truyền qua các sợi cáp quang dưới đáy biển là rất khó, nhưng chúng hoàn toàn có thể bị nghe trộm khi được truyền qua các trạm kết nối trên mặt đất.
Các trạm kết nối trên mặt đất cũng là một điểm yếu lớn nhất trong cả hệ thống này khi nó không chỉ có khả năng bị nghe trộm, mà còn chịu các rủi ro khác như tấn công khủng bố. Nếu một trạm kết nối mặt đất của một tuyến đường cáp quan trọng bị phá hủy, một lượng thông tin liên lạc quốc tế khổng lồ sẽ bị gián đoạn ngay lập tức, và gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Một phần hệ thống cáp ngầm dưới biển.
Hơn nữa, lịch sử từng cho thấy các đường cáp ngầm này đóng vai trò quan trọng như thế nào. Trong Thế chiến thứ nhất, nước Anh đã có được vị trí tốt nhất so với các bên tham chiến nhờ nỗ lực duy trì hệ thống liên lạc toàn cầu, qua đó họ có thể giám sát và chặn bắt các thông điệp của kẻ thù thông qua mạng lưới cáp của mình. Sau khi chiến tranh kết thúc, các nước thắng cuộc lại tiếp tục tranh cãi nhau để phân chia mạng lưới cáp do nước Đức phát triển.
Chính vì vậy, các quan chức về an ninh của Mỹ, Nhật và Úc đang từng bước hạn chế Huawei tham gia vào xây dựng các đường cáp kết nối giữa một trong ba nước trên, cũng như cảnh báo các chính phủ khác nhằm ngăn chặn công ty này liên quan đến việc xây dựng các đường cáp chính.
Tuy nhiên, một mối lo ngại khác còn lớn hơn nữa là việc ngăn Huawei tham gia vào các đường cáp kết nối giữa những thành viên NATO với nhau. Điều này có thể là một thách thức lớn khi nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ tại châu Âu như Anh, Đức vẫn đang bỏ ngỏ khả năng sử dụng thiết bị Huawei cho mạng lưới 5G của mình.
Khi cuộc cạnh tranh giành ngôi đầu trên toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, sẽ không lâu nữa, sàn đại dương sẽ trở thành chiến trường chính cho cuộc đua này.
Tham khảo Nikkei Asian Review