Ai cũng muốn trở nên giàu có, mọi người đều nỗ lực để kiếm được những khoản tiền lớn và được xướng tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Hầu hết các triết gia đều nói rằng tiền bạc không quyết định sự giàu có và vương miện vàng không thể lấp đầy lỗ hổng trong tim, nhưng mọi người trên khắp thế giới sẽ luôn nhớ đến bạn nếu bạn có thật nhiều tiền.
Danh hiệu người giàu nhất Trái đất sẽ được những gã khổng lồ công nghệ "chuyền tay" vài năm một lần. Nhưng dù vậy, Jeff Bezos hay Elon Musk vẫn không phải người giàu nhất mọi thời đại. Họ vẫn còn kém xa Vua châu Phi Mansa Musa, người được cho là giàu nhất xuyên suốt lịch sử thế giới, "giàu hơn bất kỳ ai", một người đã có thể đưa ra những con số khiến giới thượng lưu phải xấu hổ.
Rất bình thường nếu bạn chưa bao giờ nghe qua cái tên này vì lịch sử của Tây Phi thường không được đề cập trong các giáo trình tại trường học. Theo Rudolph Butch Ware, phó giáo sư lịch sử tại Đại học California: "Khi người đương thời tính toán về sự giàu có của Musa, chuyện khó tin đến mức gần như không ai hiểu được ông ấy giàu có và quyền lực đến mức nào".
Một trong những đoàn lữ hành vĩ đại nhất từng vượt qua Sahara được dẫn đầu bởi Mansa Musa, người cai trị huyền thoại của đế chế Mali rộng lớn ở Tây Phi. Năm 1324, Musa bắt đầu một cuộc hành hương tôn giáo đến Mecca (được gọi là Hajj). Ông đi cùng với đoàn tùy tùng bao gồm 8.000 cận thần, 12.000 người hầu và 100 con lạc đà chở 136 kg vàng ròng. Cuộc hành hương này đã lan truyền tin đồn về sự giàu có của ông khắp Địa Trung Hải.
Musa sinh năm 1280, và Mansa có nghĩa là 'Sultan' (vua tại các xứ mà Hồi giáo được tôn là quốc giáo) theo ngôn ngữ bản địa của Mandinka. Ông lên ngôi vào năm 1312 và trong 25 năm trị vì của mình, lãnh thổ của Vương quốc Mali đã ngày càng mở rộng, bao gồm các quốc gia Senegal, Mali, Burkina Faso, Niger, Guinea và Bờ biển Ngà ngày nay.
Hãy tưởng tượng xem người giàu nhất trong lịch sử sẽ có bao nhiêu tiền. Bạn có thể đưa ra một con số, sau đó cộng thêm vài trăm tỷ và có lẽ bạn đã tiến gần hơn đến số tài sản mà Mansa Musa có trong thế kỷ 14.
Là vua của Đế chế Mali ở Tây Phi, Musa lên nắm quyền vào năm 1312. Mansa Musa thừa kế một vương quốc vốn đã rất thịnh vượng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Mali thậm chí còn trở nên giàu có hơn nhờ tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực như vàng và muối, cũng như ngà voi. Việc ông mở rộng thương mại đã biến Mali trở thành vương quốc giàu có nhất ở châu Phi. Mansa Musa đã tạo ra nhiều chiến công trong khoảng thời gian ông trị vì.
Một số nhà sử học tin rằng nếu được điều chỉnh theo lạm phát, khối tài sản của ông được tính ra theo giá trị ngày nay lên tới khoảng 400 tỷ USD. Tuy nhiên, ông không chỉ là một người giàu có, mà còn là một quốc vương. Sự giàu có của ông vượt xa bất kỳ người nào sống tại ngày nay và cả ở thời trung cổ.
Một số nhà sử học nổi tiếng đã ghi lại các câu chuyện về Mansa Musa. Ibn Battuta cũng viết về ông khi ông đến thăm Mali vào năm 1352. Tất cả các sử gia này đều đề cao Mansa Musa và cuộc hành hương Hajj nổi tiếng của ông.
Mansa Musa trên đường hành hương đến Mecca
Cuộc hành hương đến Mecca là một trong năm trụ cột chính của Hồi giáo, và Mansa Musa quyết định hành hương vào năm 1324-1325. Nhưng không giống bất kỳ cuộc hành trình nào khác, Musa đã dùng vàng để mở đường đến Mecca và đưa vương quốc của mình lên bản đồ thế giới.
Mansa Musa nổi tiếng vì sự hào phóng và lòng mộ đạo của mình. Mansa Musa được biết đến là người thường xuyên tặng quà cho các chức sắc mà ông gặp gỡ, bao gồm cả Sultan của Ai Cập. Khi dừng chân ở Cairo, thủ đô của Ai Cập, ông đã cho người nghèo nhiều vàng đến nỗi lạm phát xảy ra hàng loạt trong 12 năm tiếp theo, dẫn đến nền kinh tế sụp đổ. Chuyến đi cũng thúc đẩy các cuộc tấn công của hải quân Bồ Đào Nha vào Mali vào thế kỷ 15.
Nhưng sự giàu có của một nhà vua chỉ là một khía cạnh trong câu chuyện cuộc đời ông. Ông còn là một người có đức tin, học thức và lòng nhân ái. Sau khi trở về từ Mecca, Mansa Musa bắt đầu hồi sinh các thành phố trong vương quốc của mình. Ông đã xây dựng các nhà thờ Hồi giáo và các công trình công cộng lớn, nổi tiếng nhất là Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber huyền thoại ở Timbuktu. Bên cạnh đó, Musa cũng đầu tư cho một số trường đại học trên khắp vương quốc. Nhiều tòa nhà lịch sử, bao gồm cả trường học và nhà thờ Hồi giáo vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Khi Mansa Musa còn sống, việc đầu tư vào giáo dục Hồi giáo ở Mali đã thu hút rất nhiều học giả, nhà thơ và nghệ nhân Hồi giáo đến với đế chế của mình. Họ tập trung tại Timbuktu, nơi này đã nhanh chóng được biết đến như một trong những thành phố nổi bật nhất trong thế giới Hồi giáo.
Những lời mô tả về một vị vua giàu có nhất trong lịch sử đã khiến cho mọi người trên toàn thế giới liên tưởng đến một câu chuyện viển vông, đặc biệt là ở các nước châu Âu. Vào thời điểm đó, nhiều quốc gia thuộc châu Âu đang phải vật lộn với bệnh dịch, nội chiến và suy thoái kinh tế.
Cuối cùng, Musa đã cai trị Đế chế Mali trong khoảng 20 năm. Trong thời gian đó, ông đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của các thương cảng và trở thành một trong những nhà cai trị quyền lực nhất thời bấy giờ.
Những câu chuyện về đoàn xe khổng lồ và sự hào phóng của ông vẫn tiếp tục được truyền tụng rất lâu sau khi ông qua đời. Cuộc hành hương, sự hào phóng và danh tiếng của Mansa Musa đã phần nào đánh thức thế giới về sự giàu có to lớn của châu Phi, và đặc biệt là Mali.