Không phải nợ xấu hay lạm phát, 'tứ giác đen' sẽ cản trở gói kích thích 350.000 tỷ phục hồi kinh tế Việt Nam

15/01/2022 05:23
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, mỗi một cuộc khủng hoảng là một cuộc sàng lọc đau đớn. Nếu chúng ta cứu tất cả là chúng ta thua cuộc. Cho nên, gói kích thích kinh tế phải hướng dòng tiền vào các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh.

Vào sáng 14/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức đã tổ chức Diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam 2022 lần thứ 14, với chủ đề "Phục hồi và Bứt tốc tăng trưởng". Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội điểm lại Nghị quyết về chính sách tài khoá tiền tệ hỗ trợ cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Quốc hội.

Cụ thể, quy mô Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gần 350.000 tỷ đồng. Ông Hiếu nhấn mạnh, quan trọng nhất là chương trình có thời hạn, mang ý nghĩa bổ sung chứ không thay thế bất kỳ một chương trình hay Nghị quyết nào khác, không thay thế các nhiệm vụ mà Chính phủ phải thực hiện trong nhiệm vụ thường xuyên của mình. Thời gian thực hiện trong vòng 2 năm. Mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7,0% giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, nội dung cơ bản của chương trình gồm 5 nhóm trọng tâm. Đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh khoảng 60.000 tỷ đồng; Đảm bảo an sinh xã hội hỗ trợ việc làm 48.500 tỷ đồng; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp 110.000 tỷ đồng; Phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ đồng; giải pháp khác 10.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hiếu, có hai tác động Covid-19 nghiêm trọng mà buộc Việt Nam cần phải hành động. Thứ nhất, đại dịch Covid-19 làm suy thoái, bộc lộ điểm yếu hạ tầng y tế xã hội và cần phải được khắc phục ngay.

Thứ hai, sức khoẻ doanh nghiệp bị bào mòn nếu không hỗ trợ bổ sung thì doanh nghiệp khó phục hồi sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường mà nếu phục hồi được mất nhiều thời gian, số phục hồi giảm, kinh tế khó phát triển, khi chúng ta chậm phát triển thì biết hậu quả nghiêm trọng nên nhóm giải pháp nhiệm vụ tập trung vào doanh nghiệp là quan trọng.

Đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp Bất thường để đưa ra Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Hiếu cho rằng, hành động của Quốc hội đã rất khẩn trương và ông mong muốn Chính phủ cũng sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

"Tinh thần khẩn trương quyết liệt này từ nay trở đi là việc bình thường chứ không phai sau dịch lại đủng đỉnh. Câu hỏi bao giờ Chính phủ đưa ra các giải pháp cụ thể thì phải khẩn trương quyết liệt, cá nhân tôi mong muốn trong tháng 1 này phải ban hành được biện pháp cụ thể", ông Hiếu kiến nghị.

Không phải nợ xấu hay lạm phát, tứ giác đen sẽ cản trở gói kích thích 350.000 tỷ phục hồi kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Khuôn khổ Diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam 2022 lần thứ 14, với chủ đề "Phục hồi và Bứt tốc tăng trưởng". Nguồn: VnEconomy.

"Ngôi sao hy vọng" và "Tứ giác đen" của chương trình phục hồi 350.000 tỷ đồng

Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, tại phiên thảo luận với chủ đề "Sức bật của các ngành kinh tế và khu vực doanh nghiệp gắn với chính sách phục hồi và động lực tăng trưởng mới", Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một số nhận định về cơ hội và thách thức của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, về cơ hội, ông Lộc cho rằng, có thể ví cơ hội của Việt Nam giống như "ngôi sao hy vọng 5 cánh". Trong đó, chương trình tổng thể đó là cơ hội đầu tiên của ngôi sao hy vọng.

"Chúng ta nói nhiều về gói phục hồi nhưng Chính phủ còn đưa ra chương trình phục hồi rộng hơn, không chỉ hỗ trợ về tiền bạc, chương trình tổng thể đó là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế và gói hỗ trợ tài khóa chính là để tiếp máu cho nền kinh tế", ông Lộc chia sẻ.

Thứ hai là sự thay đổi trong chiến lược chống dịch, kiên định mở cửa nền kinh tế và gia tăng độ bao phủ vaccine. Thứ ba là cải cách thể chế được đẩy mạnh. Theo đó, cơ chế đặc thù thử nghiệm, rút gọn thủ tục sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Cánh sao thứ tư là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng của các địa phương, chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, yểm trợ cho doanh nghiệp. Cánh sao thứ năm là xúc tiến đẩy mạnh thực hiện các FTA.

Còn về "Tứ giác đen", hay thách thức của việc triển khai chương trình phục hồi, theo ông Lộc, thách thức rủi ro tiềm ẩn thứ nhất là sự lệch hướng của dòng tiền.

"Chúng ta cần tránh cho vay dưới chuẩn. Mỗi một cuộc khủng hoảng là một cuộc sàng lọc đau đớn. Nếu chúng ta cứu tất cả là chúng ta thua cuộc. Cho nên, phải hướng dòng tiền vào các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, và có khả năng phục hồi nhanh", ông Lộc nhấn mạnh.

Hai là việc trục lợi chính sách. Ông Lộc cho biết, đây là nỗi đau đớn trong bối cảnh người dân khó khăn. Vì vậy, để hạn chế được rủi ro này, tính minh bạch cần phải được đảm bảo, trách nhiệm giải trình cần phải được nâng cao.

"Bên cạnh đó, chúng ta cần 1 lực lượng cán bộ sẵn sàng xả thân, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này để có thể bảo vệ người dân và doanh nghiệp", ông Lộc cho hay.

Thách thức cuối cùng là sự lỡ nhịp nợ xấu và lạm phát. Ông Lộc nhận định, kinh tế Việt Nam đã lỡ nhịp, kể từ khi nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm sâu từ quý 3/2021. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn chậm.

"Chúng ta đang lỡ nhịp, phải bắt kịp thời gian để vượt lên. Chúng ta không có dư địa thời gian, có dư địa chính sách tài khoá tiền tệ nhưng không có thời gian. Ta đang đi sau các nước và phải cố gắng vượt lên", ông Lộc lưu ý.

Tin mới

Xe Trung Quốc lại "đổ bộ", giá không rẻ
11 giờ trước
Tuần qua, hãng xe MG (Trung Quốc) mở bán mẫu xe đa dụng G50. Giới chạy xe dịch vụ khá quan tâm mẫu xe này vì hy vọng có mức giá phù hợp nhưng thực tế ngược lại.
Khách Nhật khen nức 1 món bún Việt Nam, chấm điểm cao nhất rồi kêu gọi đồng hương làm 1 điều
11 giờ trước
Sau khi ăn thử món bún này của Việt Nam, khách Nhật khen nức nở và chấm điểm cao nhất trong số 3 món được ăn thử ngày hôm đó.
Mỹ áp thuế chống bán phá giá thép mạ Việt Nam
12 giờ trước
Hòa Phát, Hoa Sen, Tôn Đông Á... và loạt doanh nghiệp thép mạ lớn tại Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ từ 40-88%.
Giá vàng quay đầu lao dốc, nhà đầu tư nên mua hay bán?
12 giờ trước
Đang từ đỉnh cao lịch sử, giá vàng quay đầu giảm sâu, chuyên gia đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư đang băn khoăn nên mua hay bán?
Tôi dùng OPPO Find N5 làm việc thay laptop và hoàn toàn bất ngờ
12 giờ trước
Đây đúng là cách rất hay mà OPPO tận dụng màn hình siêu lớn của Find N5, kết hợp nhiều tính năng phần mềm tiện dụng để làm việc on-the-go dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục

Mazda 6e bắt đầu sản xuất: Phân phối ở nhiều thị trường, có thể về Việt Nam
1 ngày trước
Mazda 6e đã chính thức sản xuất tại Trung Quốc vào đầu tháng 4 này để xuất khẩu xe sang châu Âu và Đông Nam Á.
Honda HR-V 2025 giá khởi điểm cao hơn Mazda CX-5, thêm bản hybrid giá 869 triệu
1 ngày trước
Honda đang từng bước hybrid hoá dải sản phẩm của mình với HR-V là model thứ 3 có phiên bản hybrid bán tại Việt Nam.
Tiếc 50.000 đồng phí đặt hộ, nữ du khách "đi tong" cả chục triệu vì lỗi nhỏ khi tự mua vé máy bay
1 ngày trước
Chỉ vì muốn tiết kiệm vài chục nghìn đồng khi đặt vé máy bay, một nữ du khách đã phải đối mặt với lỗi sai nghiêm trọng khiến toàn bộ chuyến bay của gia đình 3 người đứng trước nguy cơ bị hủy.
Khởi tố Chủ tịch Công ty Cây xanh Công Minh, song bị can đã bỏ trốn
1 ngày trước
Công ty Cây xanh Công Minh đã thực hiện hơn 600 gói thầu trên cả nước, tổng giá trị khoảng hơn 3.500 tỉ đồng, trong đó thanh toán khoảng 3.000 tỉ đồng