Việt Nam hiện sở hữu một loạt các mặt hàng xuất khẩu đứng ở vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới phải kể đến như gạo, cà phê, hạt điều, điện thoại, dệt may,…trong đó không thể không kể đến mặt hàng giày dép khi thu về hàng tỷ USD đều đặn mỗi tháng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 5 đã thu về 1,99 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng 4/2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 8,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về các thị trường chủ đạo, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị trí cao nhất trong số các quốc gia mua giày dép từ Việt Nam. Cụ thể kim ngạch xuất sang Mỹ đạt hơn 3,09 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 765 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý Hà Lan đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 635 triệu USD, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước, thế chỗ của Bỉ.
So sánh quy mô trên thị trường thế giới , hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…Thậm chí trong năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc. Cùng với Italy, tổng kim ngạch xuất khẩu của ba nước chiếm hơn một nửa thị trường giày dép thế giới.
Trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD. Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm các mặt hàng tỷ đô và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng thị trường mới, đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm làm cho đơn hàng thêm phong phú. Bên cạnh đó, để giữ chân đơn hàng từ các thị trường lớn, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang làm các đơn hàng lớn nhỏ khác nhau, đồng thời nỗ lực tìm kiếm khách hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo nhiều chuyên gia, trong chuỗi giá trị ngành giày dép thế giới, Việt Nam chỉ hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giầy; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về. Trong cơ cấu giá trị của đôi giầy, chi phí nguyên phụ liệu chiếm đến 70%, nên dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Đây là yếu tố tiên quyết đòi hỏi phải phát triển công nghiệp vật liệu cho ngành da giày.
Thời gian sắp tới, ngành giày dép sẽ cần phải tham gia sản xuất nhiều dòng giầy thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao. Đặc biệt cần chú trọng sản xuất các dòng sản phẩm trung và cao cấp, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường… để sản phẩm da giầy mang thương hiệu Việt thực hiện giấc mơ “Make in Vietnam” vươn tầm ra thế giới.