Châu Á vẫn là một trong những khu vực có tốc độ tăng siêu đô thị nhanh nhất. Những thành phố này sẽ tiếp tục phát triển về cả quy mô và sự sung túc, do dân số đô thị ngày càng tăng. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, siêu đô thị là khu vực đô thị với dân số từ 10 triệu người trở lên. Nếu dân số đô thị tiếp tục phình ra với tốc độ hiện tại, số lượng siêu đô thị trên thế giới có thể tăng lên 43 vào năm 2030. Đến năm 2050, 75% nhân loại sẽ sống ở các thành phố.
Sự tăng trưởng của các siêu đô thị ASEAN, song song với sự tăng trưởng của dân số, tạo ra sự tập trung của các hoạt động kinh tế và gia tăng kết nối vùng. Dân số ASEAN dự kiến sẽ tăng lên 665 triệu vào năm 2020, với Indonesia và Philippines dẫn đầu với 269 triệu và 100 triệu người.
Vào năm 2050, 7 quốc gia trong khối sẽ có hơn 50% dân số cư trú tại các khu vực đô thị lớn. Tuy nhiên, mức độ đô thị hóa tại các quốc gia ASEAN khá chênh lệch, Singapore và Malaysia có mức độ đô thị hóa cao nhất, sau đó đến đến Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Campuchia vẫn chủ yếu là nông thôn.
Siêu đô thị chiếm tới hơn một nửa sự gia tăng khí thải nhà kính toàn cầu (GHG) và các chất ô nhiễm khí quyển, như vậy, ta cũng có thể tưởng tượng ra cảnh tượng biến đổi khí hậu tồi tệ mà các thành phố này đang phải đối mặt.
Nằm chủ yếu ở các khu vực tương đối gần biển, các siêu đô thị Đông Nam Á đang cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt. Hai siêu đô thị của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM phải đối mặt với các tác động tiêu cực khác nhau của biến đổi khí hậu. Nếu như Hà Nội sẽ chịu cảnh ngập úng và hạn hán thất thường thì TP.HCM sẽ chịu tác động của nước biển dâng.
Jakarta và Bangkok thực sự đang chịu áp lực lớn về dân số, trong khi các thành phố ASEAN khác có nguy cơ cao tiếp xúc với ít nhất một loại thảm họa tự nhiên. Các siêu đô thị như Jakarta và Manila phải đối mặt với nguy cơ cao tiếp xúc với ba loại thảm họa trở lên.
Trong quá trình phát triển, các siêu đô thị ASEAN đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng thời quản lý phân phối tài nguyên hiệu quả và bền vững để đáp ứng dân số ngày càng tăng. Dân số tăng đồng thời làm tăng tiêu thụ tài nguyên, nguyên liệu, thực phẩm và năng lượng. Sự gia tăng này sẽ lần lượt ảnh hưởng đến môi trường rừng và đất, gây ảnh hưởng đến đờ sống của nhiều loài sinh vật.
Các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng liên tục để duy trì các siêu đô thị là một số nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Lời khuyên để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ. Cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon, tái trồng rừng và tạo ra các bể chứa carbon với các công nghệ mới để thu hồi carbon, là một số giải pháp được đưa ra bởi Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Mặc dù chúng ta dường như đã bắt đầu phải trả giá, nhưng vẫn có cơ hội cho một số giải pháp còn có thể thực hiện. Dừng ngay lập tức việc sử dụng than làm nguồn năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp hồi phục một phần môi trường toàn cầu. Ngành xây dựng cũng phải đầu tư vào các phương pháp xây dựng sáng tạo và sử dụng vật liệu bền vững khi xây dựng và bảo trì các thành phố.