Hiện nay, Việt Nam đang ở giữa hai cuộc chiến. Thứ nhất là cuộc chiến chống dịch, để bảo vệ sinh mạng, và thứ hai cuộc chiến kinh tế để bảo vệ sinh kế cho người dân. Hai cuộc chiến này phải diễn ra song hành, không thể đánh đổi giữa kinh tế với y tế và ngược lại.
"Thực tế, để có được hoạt động kinh tế trong nước thì phải kiểm soát dịch. Nhưng ngược lại, nếu không có hoạt động kinh tế thì cũng không kiểm soát dịch được" - ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, khi nguồn cung vaccine còn khan hiếm, những vùng có dịch sẽ không tránh khỏi việc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, khiến nhiều người lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, gặp rất nhiều khó khăn. Theo chuyên gia, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tất nhiên có tác dụng tốt đối với việc kiểm soát dịch bệnh. Song, những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế cũng sẽ nhiều hơn.
Trước tình hình đó, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ được thực hiện hoặc đang đề xuất để "giảm đau" cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp, người lao động nói riêng: gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68; chính sách giảm giá điện, nước sạch sinh hoạt, gói hỗ trợ 10.000 tỷ về giảm giá cước dịch vụ viễn thông, các giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...
Song, vẫn có những ý kiến cho rằng cần có những hỗ trợ nhanh và mạnh hơn như việc phát tiền, giống như các quốc gia phát triển Mỹ, Hàn Quốc... chi hàng tỷ USD để kích cầu nền kinh tế.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, tài chính không nhiều, thì các giải pháp hỗ trợ được đưa ra đã là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Việt Nam không giàu như các nước khác để có thể tung ra những gói hỗ trợ hàng trăm, ngàn tỷ USD. Ông Lộc có góc nhìn khác về cách kích thích kinh tế khả thi nhất cho Việt Nam trong thời điểm này.
"Hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này, theo chúng tôi, chính là tìm mọi cơ hội có thể, để có thể nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh, luồng xanh mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể." - ông Lộc nói. "Chúng ta đang thực hiện giãn cách rất lớn, các tỉnh, thành phố, các trung tâm công nghiệp đang giãn cách, làm thế nào để tận dụng mọi cơ hội, nếu không mở cửa rộng khắp thì những vùng xanh, những cơ hội thì có thể mở trong vùng hẹp, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có thể duy trì được sản xuất kinh doanh".
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, các cơ các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các "vùng xanh" để doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc nới lỏng giãn cách trên diện rộng, mở cửa lại nền kinh tế cũng được các chuyên gia đồng tình rằng, chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta thành công trong chiến dịch tiêm chủng.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: "Đừng kỳ vọng không có vaccine mà chúng ta có thể mở cửa nền kinh tế, hoạt động hoàn toàn bình thường. Chúng ta có thể chấp nhận số ca mới tăng, dù đã tiêm vaccine, nhưng rủi ro đến sức khỏe không lớn thì chúng ta vẫn có thể mở cửa nền kinh tế, kể cả đối với hoạt động du lịch".
Chủ tịch TAB Trần Trọng Kiên cũng chia sẻ: "Khi chúng ta đạt được ngưỡng trên 60 triệu người tiêm vaccine rồi, thì chúng ta có thể mở cửa toàn bộ. Tôi tin rằng nhu cầu bị dồn nén rất cao, cùng với việc có nhiều người trên thế giới đang muốn được chi tiêu, sẽ tạo ra động lực rất tốt để nền kinh tế tăng trưởng nhanh vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau".