Cảnh tượng xa vời với thế giới tại chính Việt Nam
Một buổi chiều tại Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam, các cặp đôi và gia đình đang thư giãn trên ghế beanbag trong một quán bar ven biển, cùng ngắm mặt trời lặn. Cách đó vài mét, trẻ em đang xây lâu đài cát và nô đùa với sóng. Cảnh tượng như vậy có vẻ quá xa vời trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành tại châu Á và châu Âu.
Nhưng đây là thực tế ở Việt Nam, nơi mà cuộc sống người dân gần như trở lại trạng thái bình thường, nhờ chiến lược chống dịch của Chính phủ.
Hai cha con tắm biển trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn.
Khi đất nước có xu hướng mở cửa trở lại, Chính phủ kỳ vọng Phú Quốc sẽ là động lực nâng vị thế Việt Nam trong ngành du lịch khu vực và toàn cầu. Tháng 5 năm ngoái, các quan chức đã thảo luận về việc mở cửa một số hòn đảo nhất định, bao gồm Phú Quốc. Tháng trước, một số ý kiến cho rằng nên chọn Phú Quốc để khởi động dự án thí điểm hộ chiếu vaccine.
Đáng chú ý, mới đây, tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương "Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center" - siêu quần thể "không ngủ" đầu tiên của Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 2,8 tỷ USD.
Mặc dù đang là tiêu điểm của chủ đề nâng tầm du lịch quốc tế, Phú Quốc cũng là ví dụ điển hình về quá tải du lịch. Tuy chưa có vị thế du lịch như Phuket của Thái Lan hay Bali của Indonesia, nhưng lượng khách du lịch của Phú Quốc vẫn được đánh giá là quá tải.
Thác Suối Tranh ở Phú Quốc, Việt Nam
Năm ngoái, hòn đảo này đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 5,6 nghìn tỷ đồng (243 triệu USD). Năm 2019, Phú Quốc ghi nhận hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm trước đó. Hầu hết du khách là công dân Việt Nam.
Số lượng du khách gấp hàng chục lần dân số của Phú Quốc (146.000 người). Năm nay, Phú Quốc đặt mục tiêu thu hút 2 triệu khách du lịch nhờ các gói giảm giá. Tuy nhiên, điều này dấy lên những lo ngại về chất lượng cơ sở hạ tầng, ô nhiễm chất thải, khan hiếm nước và các vấn đề về tính bền vững trong phát triển kinh tế.
Áp lực đối với ngành du lịch Phú Quốc
Đặng Minh Hùng, 27 tuổi, hướng dẫn viên du lịch kiêm quản lý tại công ty du lịch có trụ sở ở TP. HCM chia sẻ, Phú Quốc là điểm đến quen thuộc của đa số khách hàng tại đây, chủ yếu là lao động trung lưu Việt Nam trong độ tuổi từ 20-40. "Tuy nhiên, những khoản đầu tư gần đây đã khiến chi phí điều hành tour tăng mạnh", anh nói.
Tính đến tháng 6 năm ngoái, Phú Quốc có khoảng 321 dự án phát triển, với tổng vốn đăng ký 340 nghìn tỷ đồng, theo số liệu Tổng cục Du lịch. Phú Quốc cũng được kỳ vọng sẽ trở thành "trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới".
Kênh đào ven sông tại Phú Quốc United Center, một dự án phát triển của tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup. Ảnh: Sen Nguyễn
Tuy nhiên, quy mô các dự án du lịch đang gây áp lực đáng kể lên cơ sở hạ tầng của đảo. Thống kê từ văn phòng tài nguyên và môi trường địa phương cho thấy, hòn đảo này thải ra gần 200 tấn rác thải và 18.000 m3 nước thải mỗi ngày, trong khi công suất thu gom chỉ khoảng 60%.
Cáp treo Phú Quốc. Ảnh: Mark Footer
Ngoài ra, Phú Quốc cũng chịu ảnh hưởng bởi những đợt thiên tai. Tháng 8/2019, hòn đảo này hứng chịu trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hàng trăm gia đình phải sơ tán. Vào mùa khô, Phú Quốc lại đối mặt với tình trạng thiếu nước tại phần lớn dân cư, chủ yếu ở các vùng nông thôn vẫn phụ thuộc vào nguồn nước ngầm trong sinh hoạt.
Nhìn chung, áp lực nguồn nước ngầm tại đây đang ngày càng tăng bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, với việc khai thác từ các khách sạn và nhà hàng trên toàn đảo.
Soline Linh Lê, giảng viên du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam cho biết, một trong những thách thức đáng lo ngại nhất mà ngành du lịch Phú Quốc phải đối mặt là thu hút và giữ nguồn nhân lực tài năng. Vấn đề này một phần do thiếu đầu tư cho các nhu cầu cơ bản, như giáo dục cộng đồng hay chăm sóc sức khoẻ.
Những giải pháp
Tuy nhiên, thời gian qua Phú Quốc đã có những chuyển biến đáng kể. Kể từ năm 2018, WWF đã thúc đẩy phong trào giảm thiểu chất thải nhựa. Năm 2019, Phú Quốc trở thành thành phố đầu tiên ở Việt Nam cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo.
Mới đây, Phú Quốc và Ngân hàng Thế giới cũng đã có buổi làm việc về Dự án Quản lý nước biển bền vững đảo Phú Quốc (gọi tắt là IWRMA) dự kiến trị giá khoảng 174 triệu USD. Dự án được coi là một phần của gói kích thích tài chính và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Chính phủ, đồng thời có mục đích tăng cường an ninh nguồn nước của đảo Phú Quốc.
Ảnh: Getty Images
David Lord, Trưởng nhóm, Điều phối viên ngành nước, Ngân hàng Thế giới cho hay: "Các khoản đầu tư theo kế hoạch nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của Phú Quốc cũng như hỗ trợ ngành du lịch của khu vực trở thành điểm đến chất lượng".
Ba Hùng, một người nuôi ong tại trang trại gần vườn Quốc gia Phú Quốc đã có những chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức của khách du lịch và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với ong, loài thụ phấn quan trọng nhất trên thế giới.
"Bạn không thể nuôi ong như các loài khác với lồng hay chuồng. Ong rất thông minh. Chúng xem xét môi trường sống và nếu điều kiện sống không tốt, chúng sẽ bỏ đi", anh Hùng chia sẻ khi đang đứng trong trang trại của mình.
Ba Hùng, một người nuôi ong trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn
"Tại đây, chúng tôi không 'nuôi' ong. Chúng tôi giữ chúng bằng cách tạo ra môi trường sống thuận lợi. Một thìa mật ong bạn vừa ăn, tương đương với 12 con ong làm việc cả đời", anh Hùng kể.
Người dân đồng bằng sông Cửu Long cho hay, trang trại của anh đem đến các trải nghiệm khác biệt cho du khách khi đến Phú Quốc, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên tại nơi đây và kéo họ trở lại.
Hiện anh Hùng đang nghiên cứu một sản phẩm bao bì có thể tái sử dụng, làm từ sợi tre và sáp ong, cùng với hy vọng nhà hàng và khách sạn địa phương sẽ coi đây là một giải pháp thay thế cho bọc nhựa để đóng gói sản phẩm.
Tham khảo SCMP