Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 7 đạt 697 tấn với trị giá đạt 1,6 triệu USD, giảm 14,5% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 8.023 tấn với trị giá đạt 19,5 tấn, tăng 3,5% về lượng và tăng 32% về kim ngạch.
Các thị trường xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Trung Quốc đạt 6.834 tấn, chiếm 85,2% và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Lào đứng thứ 2 với 810 tấn, tăng 44,6% và đứng thứ 3 là Mỹ với 134 tấn, tăng mạnh 157% so với 7T/2023..
Một trong những lý do mà Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ớt Việt Nam là độ cay cao và đa dạng về chủng loại. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến như: ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa. Ngoài ra, sự chênh lệch mùa vụ cũng là điều giúp cho sản lượng xuất khẩu tăng cao. Tại Trung Quốc thu hoạch chủ yếu diễn ra vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tại Việt Nam ớt thường được trồng thành 2 vụ nên có nhiều thời điểm thu hoạch là từ tháng 4 đến đầu tháng 7 và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2.
Ớt là loại quả mang lại hiệu quả kinh tế cao vì có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước. Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây.
Châu Á - Thái Bình Dương chiếm lĩnh thị trường ớt toàn cầu với Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, chiếm hơn 6,11% vào năm 2021. Tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Ấn Độ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ ớt hàng đầu thế giới với khoảng 36% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu khoảng 30% tổng sản lượng.
Trên thế giới, ớt được trồng trên diện tích khoảng 19,89 triệu ha. Các nước trồng ớt chính là Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Romania, Trung Quốc, Nigeria và Mexico…
Tại Việt Nam, cây ớt ở Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt. Sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha.
Bên cạnh đó, một “thủ phủ” ớt khác của Việt Nam là Lạng Sơn, trong vụ ớt này, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479 ha, tăng 91 ha so niên vụ năm 2022. Cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan... Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào.
Ớt được sử dụng trong hầu hết các món ăn, được xem như gia vị không thể thiếu trong chế biến thực phẩm nhờ màu sắc và hương vị của chúng mang lại. Trong quả ớt còn chứa nhiều loại vitamin như vitamin C, B1, B2, acid citric, acid malic, beta caroten... đều là những vitamin cần cho sức khoẻ.
Các nhà khoa học của Viện Đại học Pittburg (Mỹ) chứng minh ớt có thể làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy. Đó là do tác dụng của chất cay capsaicin có vai trò xúc tác, làm cho các tế bào ung thư tự phá hủy nhưng không gây hại cho các tế bào bình thường.
Ớt cay có những chất đặc biệt có thể đẩy nhanh sự trao đổi chất để đạt được hiệu quả đốt chất béo trong cơ thể. Vì thế nó có tác dụng trong việc giảm béo. Chất này còn có thể thúc đẩy bài tiết hoóc môn nên cũng có tác dụng làm đẹp da.