Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang là thành phố đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội. Theo định hướng phát triển của thành phố, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hằng năm sẽ đạt khoảng 8%.
Đặc biệt, đến năm 2030, thành phố sẽ có GRDP bình quân đạt 13.000 USD và trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Cùng với đó, thành phố cố gắng đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD và là điểm đến hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư toàn cầu.
Đối với Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Cùng với đó, giai đoạn 2026 - 2030, GRDP tăng bình quân đạt 8,0 - 8,5%/năm và GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, thủ đô Hà Nội nỗ lực trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. Thành phố đặt chỉ tiêu GRDP bình quân đạt trên 36.000 USD với nền kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện. Không chỉ vậy, Hà Nội còn tập trung phát triển để có trình độ ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đối với Đà Nẵng, về tình hình tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2021-2030, thành phố nỗ lực phát triển để tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt trên 12%/năm. Theo đó, quy mô kinh tế của thành phố đến năm 2030 sẽ có GRDP đạt 13,95 – 16,48 tỷ USD và GDP bình quân sẽ đạt 9.555 – 11.444 USD.
Về quan điểm và định hướng phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại, thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc.
Cụ thể, thành phố xanh bao gồm cả môi trường xanh, sản xuất xanh và lối sống xanh và thành phố hiện đại thông minh. Theo đó, thành phố sẽ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0, có khả năng và sức hút kết nối toàn cầu.
Đối với Cần Thơ, thành phố tập trung khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7,5 - 8%/năm. Hơn nữa, thành phố sẽ có vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10 - 12,5%/năm.
Đến năm 2025, Cần Thơ phấn đấu GRDP bình quân đạt 6.200 - 6.800 USD. Cùng với đó, đến năm 2045, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố nằm trong nhóm các thành phố phát triển khá của châu Á.
Riêng đối với Hải Phòng, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, thành phố phấn đấu trở thành động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.
Theo định hướng đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước khoảng 6,4%, GRDP bình quân đạt 14.740 USD và thu ngân sách từ 180.000 - 190.000 tỷ đồng.
Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ Đông Nam Á, thu ngân sách đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng và GRDP bình quân đạt 29.900 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Không chỉ vậy, TP. Hải Phòng được định hướng xây dựng trở thành động lực trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng Bắc bộ. Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ định hướng phát triển khoa học công nghệ biển, logistics. Kinh tế tư nhân được xem là động lực và đột phá của kinh tế Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn.