Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu hàng hóa Benchmark Mineral Intelligence, Úc sẽ vẫn là nhà cung cấp kim loại lithium hàng đầu thế giới trong vài năm tới. Tuy nhiên, thị trường chung sẽ vẫn trong tình trạng cung vượt cầu cho đến năm 2030 do nguồn cung toàn cầu đang mở rộng nhanh chóng khiến giá lao dốc trong năm qua.
"Các dự án hiện tại cho thấy sản lượng khai thác lithium toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ năm 2024 đến năm 2033", Olga Savina, chuyên gia phân tích kim loại và khai khoáng cấp cao của BMI cho biết. "Chúng tôi kỳ vọng Châu Á sẽ duy trì vị thế là khu vực dẫn đầu toàn cầu về sản xuất lithium trong nhiều năm tới, chủ yếu là do sự thống trị của Úc về nguồn cung toàn cầu tuyệt đối".
Theo số liệu của BMI, Úc cung cấp hơn 50% lượng lithium của thế giới, tiếp theo là Chile với hơn 1/4 và Trung Quốc khoảng 15%.
Savina cho biết thị phần của 3 nhà sản xuất hàng đầu này dự kiến sẽ giảm từ 86% xuống 66% khi các nhà sản xuất mới ở Zimbabwe và Argentina tăng sản lượng .
Theo Sabrin Chowdhury, giám đốc phân tích hàng hóa tại BMI, nhu cầu về lithium tăng cao dự kiến sẽ hỗ trợ giá ở mức hiện tại trong ngắn hạn, mặc dù mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao gần đây.
“Chúng tôi dự báo lithium cacbonat 99,5% của Trung Quốc sẽ đạt mức trung bình 15.500 USD/tấn trong năm nay và 20.000 USD/tấn vào năm tới. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình hơn 72.000 USD/tấn vào năm 2022 và gần 36.000 USD/tấn vào năm 2023", Sabrin Chowdhury cho hay.
Giá giảm trong năm qua đã khiến một số nhà sản xuất lithium phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng 14% trong năm nay và sẽ tăng tốc từ từ do vai trò quan trọng của nó trong pin xe điện. BMI dự báo doanh số bán xe điện sẽ đạt 17,6 triệu xe trong năm nay, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ Trung Quốc.
Chowdhury lưu ý rằng dự báo nhu cầu về lithium có thể thay đổi nếu có bước đột phá về công nghệ hoặc nguyên nhân khác khiến việc sử dụng pin chứa ít lithium hơn ngày càng tăng.
Sociedad Quimica y Minera (SQM) của Chile và Albemarle của Mỹ, hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới, đều dự kiến sẽ sản xuất hơn 200 kiloton lithium cacbonat tương đương vào năm tới.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thế lực thống trị trong lĩnh vực chế biến, tinh chế và sử dụng kim loại này, với khoảng 80% pin đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà phân tích Amelia Harris của BMI về kim loại và khai khoáng cho biết con số này sẽ giảm phần nào trong những năm tới khi các quốc gia khác triển khai các chiến lược nhằm tăng cường an ninh chuỗi cung ứng và tăng năng lực chế biến của họ.
Harris đánh giá: “Bất chấp những nỗ lực, chuỗi cung ứng lithium toàn cầu dự kiến sẽ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc trong những năm tới”.
Tham khảo: Nikkei Asia