Có lẽ virus corona không còn là rủi ro cao nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay.
Theo Victoria Fernandez, chiến lược gia trưởng của Crossmark Global Investment, hiện tại chi tiêu tiêu dùng yếu ớt chính là mối đe dọa lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn xã hội đang bao trùm nước Mỹ.
"Nhìn lại 1 hoặc 2 tháng trước, mọi người sẽ nói rằng mối đe dọa lớn nhất là Covid, là việc mở cửa nền kinh tế trở lại", bà phát biểu trong chương trình "Trading Nation" của đài CNBC. "Chúng ta có thể mở cửa nhà máy trở lại, mang hoạt động sản xuất trở lại. Nhưng nếu không có nhu cầu tiêu dùng thì điều đó cũng chẳng giúp ích gì cho nền kinh tế".
Theo bà, những cuộc biểu tình đang dần bị bạo lực hóa nổ ra trên khắp nước Mỹ càng khiến tình hình nghiêm trọng hơn, gây ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp chỉ vừa mới mở cửa trở lại.
"Giờ đây chúng ta có 1 xã hội rất bất ổn, nhiều cửa hàng, nhà máy chỉ vừa mới mở cửa trở lại được 1 hay 2 tuần nhưng đã lại phải đóng cửa. Tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó ở Houston. Đó là vấn đề lớn nhất đối với chúng ta hiện nay. Trong bối cảnh đó liệu người tiêu dùng có thể mua sắm trở lại hay không?", bà nhận định.
Nếu như các cuộc biểu tình lắng xuống, câu trả lời là có. Mặc dù đã có hàng chục triệu việc làm biến mất, bà Fernandez nhìn thấy những bằng chứng cho thấy người Mỹ vẫn có tiền.
"Chúng ta có tỷ lệ tiết kiệm cao kỷ lục trong vài tuần gần đây, và cần phải làm cho số tiền này được bơm vào nền kinh tế".
Theo số liệu của Cục phân tích kinh tế Hoa Kỳ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã tăng lên mức 33% trong tháng 4, cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu từ những năm 1960.
Bà dự đoán kinh tế Mỹ sẽ hồi phục theo hình chữ W, trong khi thị trường chứng khoán ở trong tình trạng "trông vậy mà không phải vậy" và biến động rất thất thường. "Hiện tại TTCK giống như 1 người đa nhân cách và diễn biến hàng ngày chỉ phụ thuộc vào những tin tức trên báo chí mà thôi", bà nói.
Tham khảo CNBC