Thứ 5 tuần trước (21/11), dân tình vẫn chưa biết "mặt mũi" chiếc Cybertruck của Tesla trông như thế nào nhưng chỉ chưa đầy một tuần sau, đã có tới hơn 250.000 người trả 100 USD để đặt cọc cho sản phẩm này.
Tuy sự cố cửa kính được quảng cáo là có khả năng chống đạn của Cybertruck vỡ toang trên sân khấu khiến giá cổ phiếu Tesla sụt giảm nhưng và không ít người chê bai thiết kế thiếu tính thẩm mỹ của chiếc xe này nhưng một sự thật không thể phủ nhận là nó đã trở thành một hiện tượng viral trên internet và mạng xã hội.
Một số người dùng mạng xã hội còn cho rằng sự cố cửa kính Cybertruck là "thuyết âm mưu" của Elon Musk, giúp chiếc xe nhận được nhiều sự chú ý hơn. Cho dù điều đó đúng hay không thì vị tỷ phú đã đạt phần nào được mục tiêu của mình.
Người dùng mạng nghi sự cố kính vỡ là "thuyết âm mưu" của Elon Musk.
Hai ngày sau khi ra mắt Cybertruck, CEO của Tesla, tỷ phú Elon Musk khoe trên Twitter rằng họ đã nhận được hàng trăm nghìn đơn đặt hàng mà không cần tốn một xu quảng cáo hay tài trợ nào.
Những người làm marketing (marketer) chuyên nghiệp đều ao ước một sự tiếp cận như vậy với khách hàng của mình. Để tìm hiểu thêm, Business Insider đã tìm đến một số chuyên gia marketing từ các trường đại học có tiếng để phân tích trường hợp của Cybertruck.
Các giáo sư nói rằng khó ai trên thế giới có thể bắt chước sự táo bạo của Elon Musk. Mặc dù vậy, họ đã đưa ra một số lời khuyên mà những người kinh doanh và marketer có thể tham khảo.
Có "tín đồ" thực sự
Giáo sư Toubia của Đại học Kinh doanh Columbia nhận xét: "Tìm nhìn ‘điên rồ’ của Musk thu hút lượng lớn sự chú ý của giới truyền thông, điều mà rất nhiều CEO và doanh nhân khác không làm được. Một số báo cáo còn gọi chiến thuật kinh doanh của Musk là chiến thuật của một nhà lãnh đạo giáo phái".
Ngoài lợi thế về truyền thông, Tesla còn sở hữu một lợi thế chính so với hầu hết công ty khác: Những khách hàng tự nhận mình là "tín đồ thực sự". Các tín đồ trung thành này đã tham gia vào một số cuộc thử nghiệm tính năng mới và sẵn sàng trả trước tiền mặt để đặt cọc sản phẩm mới của hãng.
Elon Musk, nhà sáng lập và CEO của Tesla.
Ngành công nghiệp ô tô vốn có chi phí cao, tỷ suất lợi nhuận thấp và sự biến động không ngừng, khiến đây trở thành một ngành đầy thách thức. Nhưng rõ ràng là Musk thường khá xem nhẹ góc độ kinh doanh thông thường. Thay vào đó, ông có tham vọng lớn hơn.
Toubia nói: "Anh ấy thức sự là một trong số ít những doanh nhân luôn cố gắng giải quyết các vấn đề lớn mà mọi người phải đối mặt. Sứ mệnh đó đã tạo được tiếng vang tốt với một nhóm người nhất định và thúc đẩy sự phát triển của Tesla".
Mới đây, tài khoản chính thức của cảnh sát Dubai đã đăng tải hình ảnh một chiếc Cybertruck có phối họa tiết màu trắng xanh đặc trưng của đội cảnh sát tuần tra Dubai và cho biết họ sẽ bổ sung nó vào "biệt đội" xe tuần toàn siêu xe của mình. Như vậy, có thể thấy không chỉ người dùng thông thường mà ngay cả cơ quan cảnh sát cũng đã trở thành "tín đồ" của Tesla.
Thông báo của cảnh sát Dubai trên Twitter.
Tạo ra sản phẩm có dấu ấn riêng
Tesla có sở trường tạo ra những sản phẩm có thể nói lên rất nhiều điều về chính mình. Giáo sư Reibstein của Đại học Wharton nói: "Điều họ làm không phải là những điều chỉnh nhỏ mà là thứ tuyệt vời hơn thế. Vậy nên mới có chuyện họ tạo ra dòng sản phẩm khi đứng gần với nhau sẽ thành Tesla Model S/3/X/Y (sexy – gợi cảm).
Xe của Tesla "s3xy" đấy chứ!
Tất nhiên, sản phẩm mới phải tốt hơn so với lựa chọn hiện có và đủ hấp dẫn thì mọi người mới nói về nó nhiều được. Thay vì nói: ‘Tôi đã bỏ 69.000 USD để mua chiếc Cybertruck, người ta sẽ thích thú hơn khi khoe rằng: ‘Tôi chỉ mất 100 USD đặt cọc và thậm chí còn có thể lấy lại số tiền đó!’. Sự phản hồi liên tục của khách hàng cho phép Tesla điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường nhanh hơn hầu hết các nhà sản xuất ô tô khác".
Thông báo thay vì quảng cáo
Một cách mà Tesla sử dụng để kết nối tốt hơn với khách hàng là thông báo như sự kiện ra mắt Cybertruck. Theo quan điểm của Reibstein, phương tiện truyền thông chắc chắn đem lại lợi ích nhất định nhưng hữu ích hơn là hiệu quả từ nghiên cứu thị trường mà Tesla thu được với mỗi đơn đặt hàng trước.
Giáo sư Meyvis của Đại học Stern cho biết chương trình đặt hàng trước là một chiến lược marketing lâu đời có tên gọi "kẹt chân trong cửa". Theo đó, khi một người nhận được yêu cầu nhỏ và chấp nhận thực hiện, người đó sẽ dễ dàng chấp nhận những yêu cầu lớn hơn được đưa ra tiếp theo.
"Kẹt chân trong cửa" là một chiến lược marketing đã có từ lâu.
Sau khi Tesla giới thiệu ba phiên bản Cybertruck, khách hàng nhanh chóng hướng về bản hai và ba động cơ so với một động cơ. Qua đó, công ty phần nào nắm bắt được sự quan tâm của khách hàng trước khi sản xuất với số lượng lớn.
Tất nhiên, Tesla luôn có thể hỏi trực tiếp xem khách hàng của mình muốn phiên bản nào nhưng theo Meyvis, các cuộc khảo sát nghiên cứu thị trường không phải lúc nào cũng là thước đo nhu cầu đáng tin cậy.
Điểm khác biệt so với khảo sát thị trường thông thường là khách hàng phải đặt cọc, dù chỉ là 100 USD để đặt trước Cybertruck. Đối với Toubia, những tín đồ này đã trở thành người "đồng sáng tạo" ra sản phẩm mới và giúp chúng phát triển trên thị trường.
Chi phí ẩn giấu
Chỉ vì Musk nói rằng Tesla không chi tiêu cho quảng cáo hay tài trợ không có nghĩa là chiến lược của vị tỷ phú không tốn kém theo những cách khác. Toubia cho biết chi phí dài hạn để nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng rất khó định lượng và có thể là một cách tiếp cận tốn thời gian để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu.
Vì sao nhiều con bò không những không chết mà còn sống khỏe mạnh nhờ bị đục lỗ ngay trên cơ thể?