Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII - cho biết các kết quả nghiên cứu của viện cho thấy nhu cầu điện trong Quy hoạch điện VIII thấp hơn so với kết quả dự báo trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giảm khoảng 3-4 tỉ KWh vào năm 2020 và 9-10 tỉ KWh vào năm 2030. Cơ cấu tiêu thụ điện theo vùng miền có thay đổi đáng kể với tỉ trọng lớn hơn của miền Bắc. Nhu cầu điện giai đoạn 2021-2030 vẫn đạt mức tăng dự kiến khoảng 8%/năm.
Tại buổi làm việc, Viện Năng lượng cũng đưa ra 11 kịch bản phát triển nguồn điện với các điều kiện đầu vào khác nhau. Theo đó, kịch bản được lựa chọn là kịch bản bảo đảm các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và Nghị quyết số 55-NQ/TW. Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 32%, tăng lên 40,3% vào năm 2045 và 43% vào năm 2050. "Theo phương án chọn này, tỉ lệ nhiệt điện than sẽ giảm dần từ mức 42% hiện nay xuống còn khoảng 36% vào năm 2035 và khoảng 31% vào năm 2045. Trong giai đoạn 2020-2030, sẽ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới" - ông Phúc cho hay.
Đánh giá về Quy hoạch điện VIII, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh quy hoạch điện là một trong những quy hoạch quan trọng và liên quan trực tiếp đến quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể quốc gia. Chính vì vậy, việc thống nhất các phương án cho quy hoạch điện là vô cùng quan trọng. Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý do Việt Nam đang phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) nên đơn vị tư vấn cần đánh giá và cân đối chi phí tối ưu trên cơ sở những nguồn năng lượng hiện tại ta đang có. Đồng tình về vấn đề điện khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng khi lập sơ đồ điện VIII, tỉ trọng điện khí tăng lên nên đơn vị tư vấn cần phải tính đến việc bảo đảm nguồn năng lượng sơ cấp sao cho hợp lý và phải có cơ chế chính sách thích hợp, kịp thời.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII phải khoa học, bài bản, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện VII hiện nay, đồng thời mang tính định hướng, không cứng nhắc, mang tính mở, tạo ra không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội. "Có những đánh giá, dự báo dựa trên xu hướng sử dụng năng lượng sạch, công nghệ tiết kiệm điện phù hợp với cơ cấu các ngành kinh tế; xác định cơ cấu điện năng hợp lý để giảm chi phí hệ thống, hạ tầng, đồng thời bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nước ngoài. Đồng thời, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII cần bố trí không gian phát triển điện năng căn cứ vào tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương. Ngoài ra, quy hoạch phải chú trọng phát triển hệ thống truyền tải hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả; nhanh chóng quy hoạch hệ thống hạ tầng, kho cảng cho khí LNG, than, đường ống dẫn khí.