Giới siêu giàu trên khắp thế giới sẵn sàng chi hàng triệu USD đầu tư bất động sản để đổi lấy những cuốn “hộ chiếu vàng” ở nhiều quốc gia.
1. Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 5/2017, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một chương trình đầu tư định cư để thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, nhà đầu tư mua một hoặc nhiều bất động sản có giá trị theo mức quy định có thể nộp đơn xin cấp quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ cho bản thân, vợ/chồng và con cái dưới 18 tuổi với tỷ lệ chấp thuận gần như tuyệt đối trên 99%.
Tháng 9/2018, chính phủ đã điều chỉnh mức đầu tư từ 1 triệu USD xuống còn 250.000 USD. Hiện đây là một trong những chương trình đầu tư lấy quốc tịch có mức phí thấp nhất.
Mức đầu tư trên cần được duy trì ít nhất trong 3 năm. Nhà đầu tư có thể để ở hoặc cho thuê. Hết thời hạn 3 năm, họ được phép bán để thu hồi vốn.
2. Montenegro
Để nhận tấm hộ chiếu quyền lực Montenegro, nhà đầu tư cần thực hiện khoản đầu tư trị giá 100.000 euro cho chính phủ dưới hình thức trao tặng.
Đồng thời đầu tư vào một bất động sản do chính phủ chỉ định với hai lựa chọn: đầu tư 250.000 euro vào một bất động sản được phê duyệt trong một khu vực chưa phát triển nằm ở phía Bắc hoặc đầu tư 450.000 euro vào bất động sản được phê duyệt trong khu vực phát triển ở phía Nam.
Bất động sản đầu tư cần phải được duy trì ít nhất 5 năm.
3. Bồ Đào Nha
Thị thực Vàng (Golden Visa) là chương trình đầu tư định cư được chính phủ Bồ Đào Nha áp dụng từ tháng 10/2012, cho phép các nhà đầu tư bên ngoài khối Liên minh Châu Âu nhận được thẻ cư trú tại Bồ Đào Nha với nhiều lợi ích hấp dẫn khi đầu tư vào quốc gia này như hưởng mọi quyền lợi như một công dân bản xứ, tự do đi lại giữa 164 quốc gia, bao gồm cả các nước thuộc khối EU…
Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần mua bất động sản tại Bồ Đào Nha với giá trị tối thiểu 350.000 euro đối với các bất động sản cũ ít nhất 30 năm tuổi hoặc giá trị tối thiểu 500.000 euro đối với các bất động sản mới, là có thể xin cấp phép định cư.
Đây là những mức đầu tư được áp dụng với khu đô thị loại 1 (mật độ dân số đông đúc). Đối với khu đô thị loại 2 (mật độ dân cư thấp), mức đầu tư trên sẽ được giảm xuống, lần lượt là 280.000 USD và 400.000 USD.
Nhà đầu tư có quyền mua một hoặc nhiều bất động sản, không giới hạn loại hình nhà ở, các khu dân cư, nhà dùng cho mục đích thương mại hay đất nông nghiệp.
Mức đầu tư cần được duy trì ít nhất 5 năm.
4. Tây Ban Nha
Chính sách đầu tư định cư Tây Ban Nha được bắt đầu từ 27/9/2013 nhằm nới rộng các dự án đầu tư định cư và được hoàn thiện vào ngày 24/7/2015 cho phép gia đình 3 thế hệ đều có thể định cư tại đây.
Nhà đầu tư chỉ cần mua một hoặc nhiều bất động sản tại Tây Ban Nha (không giới hạn nhà ở, nhà dùng cho mục đích thương mại hay đất nông nghiệp) với giá trị ít nhất 500.000 euro để được cấp thẻ thường trú nhân.
Nhà đầu tư có thể kinh doanh hoặc cho thuê để thu lợi nhuận từ bất động sản và được phép bán lại sau ít nhất 5 năm, đồng thời có thể nộp đơn xin nhập tịch nếu đáp ứng đủ yêu cầu về thời gian cư trú.
5. Hy Lạp
Theo đó, các nhà đầu tư mong muốn định cư tại Hy Lạp chỉ cần mua một hoặc nhiều bất động sản trị giá tối thiểu 250.000 euro là được cấp thẻ cư trú 5 năm cho cả gia đình. Mức đầu tư này cũng phải được duy trì trong khoảng thời gian 5 năm. Nhà đầu tư không được phép bán, tuy nhiên, được phép cho thuê.
Sau 7 năm cư trú, nhà đầu tư có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch.
6. Ireland
Chương trình đầu tư định cư của Ireland cũng là một trong số những chương trình lấy thẻ thường trú nhân hấp dẫn nhất ở các nước châu Âu, nhờ vào các ưu thế về thủ tục đơn giản, nhanh chóng.
Nhà đầu tư cần chi ít nhất 2 triệu USD cho một hoặc nhiều bất động sản trong ít nhất 3 năm. Trong thời gian này, cho dù giá trị của khoản đầu tư có tăng lên hơn 2 triệu USD, nhà đầu tư vẫn phải duy trì nó. Ngoài ra, bất động sản đó cần phải được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Ireland từ trước.
Sau 3 năm, nhà đầu tư có thể thoái vốn tối đa 50% cổ phần của mình. Một năm tiếp theo, họ được phép bán thêm 25%. Sau tổng cộng 5 năm kể từ ngày mua bất động sản ban đầu, nhà đầu tư có thể hoàn toàn thoái vốn.
7. St. Kitts & Nevis
Chương trình đầu tư nhập tịch của St. Kitts & Nevis là chương trình đầu tiên trên thế giới. Được công bố vào năm 1984, chương trình này cung cấp quốc tịch thông qua việc đầu tư cho những người có đủ tiêu chuẩn. Các công dân của St. Kitts & Nevis được miễn thị thực tới hơn 130 quốc gia, bao gồm các nước EU.
Theo đó, nhà đầu tư cần đầu tư tối thiểu 200.000 USD vào một trong những dự án phát triển bất động sản được chính phủ phê duyệt (các loại hình bất động sản như căn hộ, chung cư cao tầng, biệt thự, khu liên hợp khách sạn).
Khoản đầu tư cần phải được duy trì trong ít nhất 5 năm sau khi nhà đầu tư được cấp quốc tịch.
(Theo Dân Trí)