Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào vực sâu suy thoái. Cho tới nay, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, khiến cho danh sách các doanh nghiệp buộc phải nộp đơn xin phá sản ngày càng kéo dài, chưa kể tới những cái tên vốn mờ nhạt
cứ thế lặng lẽ biến mất trên thị trường. Mặc dù trong nhiều trường hợp, Covid-19 cũng chỉ giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, đánh gục những doanh nghiệp vốn đã chông chênh một thời gian dài trước đó.
Thống kê cho thấy, từ tháng 4 khi dịch bệnh bắt đầu lây lan sang các nước phương Tây, một làn sóng phá sản đã manh nha và tăng mạnh sang tháng 5/2020. Đầu tháng, thương hiệu J.Crew – ông lớn tại Mỹ thành lập từ năm 1947 với quy mô 492 cửa hàng, doanh thu năm 2019 đạt 2,5 tỷ USD đệ đơn phá sản. Chỉ sau vài ngày, Mỹ tiếp tục thụ đơn phá sản với Neiman Marcus, tập đoàn có thâm niên hoạt động 94 năm với doanh thu 2019 lên đến 4,9 tỷ USD. Cùng một loạt các thương hiệu lớn khác như J.C.Penney (Mỹ, thành lập năm 1902, đệ đơn ngày 15/5), Brook Brothers (đệ đơn ngày 8/7), RTW Retailwinds ngày 13/7, Ascencure…
Danh sách các thương hiệu thời trang lớn đệ đơn phá sản.
Như vậy, dịch bệnh đã làm gián đoạn nghiêm trọng và sau đó phá hủy nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng trị giá 2.500 tỷ USD của ngành thời trang toàn cầu. Việc một vài cửa hàng ở Mỹ hay châu Âu đóng cửa có thể khiến cho nhiều nhà máy ở Việt Nam, Bangladesh hay các quốc gia xuất khẩu dệt may khác ngừng hoạt động theo, cũng như khiến cho những người trồng bông tại Ấn Độ thêm khốn khó.
Ghi nhận, Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ và Châu Âu, khiến hàng loạt các đơn hàng bị hoãn, huỷ. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ, sợi, dệt các loại giảm 21,2% (cùng kỳ tăng 1,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 39,6% (cùng kỳ tăng 17,1%); hàng dệt và may mặc giảm 15,5% (cùng kỳ tăng 10,4%).
Làn sóng phá sản của các nhà bán lẻ thời trang trên thế giới sẽ khiến cho tình hình 6 tháng cuối năm thêm u ám, đặc biệt là các nước xuất khẩu dệt may như Việt Nam. Theo dự báo của Vinatex, xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng 32,75 tỷ USD, giảm 16% so với 2019.
Một số nhà bán lẻ như Zara, H&M, Primark đã cam kết sẽ thanh toán cho các đơn hàng đã hoàn thiện hoặc đang sản xuất, hoặc hứa hẹn đền bù phần nào cho các công nhân nhà máy bị ảnh hưởng do đơn hàng bị hủy. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu những nhà bán lẻ này rơi vào cảnh phá sản, lúc đó đơn giản là họ sẽ không còn khả năng chi trả cho các nhà cung ứng.
Ví dụ, việc RTW Retailwinds phá sản đã giáng một đòn mạnh cho CTCP May Sông Hồng (MSH), khi công ty này là 1 trong 3 khách hàng truyền thống lớn nhất của May Sông Hồng trong nhiều năm trở lại đây. Chưa kể tới lỗ hổng 25% trong tổng doanh thu của mảng FOB do mất khách hàng chiến lược, khoản nợ phải thu lên tới 219 tỷ đồng với khách hàng này cũng là bài toán đau đầu với các nhà lãnh đạo của May Sông Hồng.
Phản hồi, phía MSH cho biết Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, khi dịch bùng phát tại thị trường Mỹ Công ty đã dự báo trước tình hình này sẽ xảy ra, đồng thời đã trích lập dự phòng một phần từ quý đầu năm và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo. Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản phải thu 166 tỷ với khách hàng NY&Co, lãnh đạo MSH cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.
BCTC May Sông Hồng.
Không những vậy, chuỗi bách hóa khổng lồ J.C.Penney đóng cửa vào tháng 5 cũng khiến cho hàng loạt doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang là đối tác của J.C.Penney như Pi Vina Đà Nẵng, Vitex Vina, Xuất khẩu Habac, May mặc Bình Minh... bị cuốn vào cơn bão. Những khoản nợ khó đòi, những đơn hàng bị hủy, việc mất mát những khách hàng lâu năm và .công cuộc tìm kiếm khách hàng mới hoàn toàn là một con đường mờ mịt.
Đáng nói, đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong hơn 3 tháng tại Việt Nam, lại bất ngờ bùng phát cuối tháng 7 tại Đà Nẵng và tiếp tục lan ra một số tỉnh với sức "công phá" mạnh hơn. Trong lần trả lời báo giới mới nhất, đại diện Vinatex nhấn ạnh tình hình sẽ khác rất nhiều đối với 6 tháng cuối năm, khi thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu này sẽ gần như trở về mức cầu bình thường từ tháng 9/2020.
Chưa kể, việc tổng cầu may mặc giảm còn đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn. Giá thấp hơn. Áp lực của người mua lớn hơn. Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm vừa qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới.
Từ những nhận định này sẽ dẫn tới dự báo của 6 tháng cuối năm với thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm. Thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp.
Mặt khác, tình hình thị trường của tất cả các sản phẩm trong chuỗi cung ứng dệt may đều khó khăn, tuy nhiên những sản phẩm cơ bản sẽ có nhu cầu cao hơn. Do đó, cần triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn.