Vang mãi khúc quân hành
Qua bao lần hò hẹn tôi mới tìm gặp được anh. Bởi anh Thắng chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Có hôm sáng sớm anh đã ở Hưng Yên để tìm cây giống, trưa lại ở Chiêu Yên (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) để thăm vườn của đồng đội cũ. Thoắt cái anh đã lên vườn chăm sóc cây.
Anh Trần Mạnh Thắng (bên phải) thu hoạch bưởi.
Trong bộ quần áo lính bạc màu, người thương binh Trần Mạnh Thắng dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi của mình. Đứng giữa đồi cây rộng ngút tầm mắt, lắng nghe câu chuyện anh kể, tôi thầm cảm phục ý chí của ông chủ trang trại 21 ha này.
Năm 1983, chiến tranh biên giới phía Bắc diễn biến cam go, 20 tuổi, anh Thắng lên đường nhập ngũ. Trong một lần làm nhiệm vụ dò mìn, không may anh bị trúng mìn. Đối diện với cái chết, tiếng mìn nổ, mảnh vụn văng tung tóe khắp người, nhưng sau khi phục hồi vết thương, người lính trẻ ấy vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu với tâm nguyện giành lại hòa bình cho đất nước.
Năm 1985, anh xuất ngũ mang theo những chứng tích chiến tranh. Thị lực giảm sút, nhiều mảnh vụn mìn vẫn chưa được lấy hết khiến anh đau nhức mỗi khi “trái gió trở trời”. Trở về nhà, sau khi lo toan thu vén mọi việc trong gia đình, anh quyết định cùng vợ con ra ở riêng lập nghiệp. Không đất đai, không đồng vốn giắt lưng, anh chạy vạy vay mượn để mua 8 ha đất.
Khi ấy cái tin “động trời” anh vay lãi để mua đất Khuôn Nụm khiến bao người lắc đầu ngao ngán. Có người bảo đó là đất ma, nhiều khe, nhiều hố sâu dẫn vào đấy chỉ có đi mà không trở về… Người rỉ tai bàn tán: “Chắc là di chứng chiến tranh tái phát…”.
Bỏ qua câu chuyện ma quỷ, lời đồn đại về mảnh đất “dữ”, chết chóc, anh cắt nghĩa đầy tính “duy vật”, con người sẽ chiến thắng tất cả. Vả lại, chiến trường năm xưa dạy anh rằng, đối diện với cái chết không đáng sợ khi ý chí bị khuất phục. Phương châm sống đầy nhiệt huyết ấy đã khiến người thương binh hạng 4/4 thêm sức mạnh làm nên nhiều điều khó tin.
Chinh phục sự sống
Ban đầu, nhìn khu đất hoang vu, heo hút chằng chịt khe núi, hố rãnh, anh xác định điều trước tiên phải thuần hóa, cải tạo vùng đất. Ông bà ta có câu “nhất nước, nhì phân...”. Một tháng ròng rã, anh “ném” bao sức lực để xây dựng con đập dài 50 m phục vụ tưới tiêu.
Để giải quyết nhu cầu lương thực, hàng ngày, anh cùng người vợ cặm cụi khai khẩn đất đai trồng ngô, lúa nương. Anh thu gom lau sậy, lá phơi khô đốt thành tro tãi cho đất đai thêm màu mỡ. Thế nên, cây ngô, cây lúa trồng lên đều xanh tốt mơn mởn, mỗi vụ gia đình cũng thu vài tấn thóc, ngô.
AnhTrần Mạnh Thắng cho cá ăn.
Khi quen dần với thổ nhưỡng, anh bắt đầu tính toán xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Khó khăn trước mắt là vốn liếng khi ngân hàng định giá toàn bộ gia sản của anh không đủ để thế chấp. Một lần nữa anh “liều lĩnh” vay tiền với lãi suất cao để mua cây giống.
Hai vợ chồng ngày ngày nai lưng làm việc, ăn ngủ trên đồi để trồng và chăm sóc cây mía. Thấm thoắt, 10 vạn cây mía bén rễ, niềm hy vọng được thắp lên khi màu xanh cây mía phủ kín cả Khuôn Nụm. Vừa tìm được đầu ra cho sản phẩm anh nhạy bén xoay đồng vốn đầu tư một bộ ép mía và dụng cụ nấu mật phục vụ bà con.
Tiếp tục khai khẩn đất hoang trồng 3 ha chè cành, tận dụng con đập anh đầu tư chăn nuôi 0,5 ha ao cá. Sau 10 năm anh đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại có quy mô đem lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Có trong tay cơ ngơi đàng hoàng, thế nhưng anh lại “bỏ nhà, bỏ cửa” lên tận mảnh đất “thâm sơn cùng cốc” thôn Ngoan A, xã Xuân Quang mở trang trại thứ 2. Hơn 13 ha đất bỏ hoang, không trồng nổi cây gì chẳng ai dám đầu tư, thế mà anh lại bỏ tiền ra mua!
Biết tin, cả gia đình anh ra sức ngăn cản, không lo sao được khi thung lũng heo hút đến mức không có đường cho xe đạp vào, không có điện lưới, không sóng điện thoại. Mọi liên lạc với “thế giới bên ngoài” gần như cắt đứt, sức khỏe anh lại yếu, biết thế nào khi mưa gió, trở trời…
Ngày ấy, khi anh Thắng lên rừng, vợ con khóc thút thít vì biết chẳng thể ngăn nổi người đàn ông “ngang bướng”. Anh mỉm cười hiền hậu, xòe đôi bàn tay thô ráp nắm chặt lấy tay chị rồi bảo: “Cuộc đời người lính là hành trình chinh phục sự sống để vươn lên”. Khúc quân hành ấy cứ ngân vang mãi, tạo cho anh ý chí thật kiên cường.
Xác định giao thông có thuận tiện thì kinh tế mới phát triển, anh chủ động thuê máy cuốc, máy ủi khai phá đường vào trang trại. Đoạn đường dài gần chục km như mở lối đi mới, thay đổi đời sống của vùng quê nghèo nơi đây. Tiếp tục chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, anh đắp con đập dài hơn 50 mét, độ cao 15 m, kéo điện lưới về tận trang trại.
Sau 1 năm trời gian khổ “nếm mật nằm gai”, 13 ha đất hoang đã được người thương binh ấy “thuần hóa” một cách quy củ, ngăn nắp. Ngày làm bạn với con dao, cây sậy tìm hiểu thổ nhưỡng, đêm về trong căn lều vắt vẻo nơi sườn núi anh lại trăn trở bài toán kinh tế. Vắt kiệt bao sức lực cho mảnh đất này, anh Thắng gầy đen đi nhiều, trông già mất vài tuổi.
Thời gian thấm thoát trôi, trang trại đã hình thành với màu xanh bạt ngàn của 1.200 gốc bưởi; 200 gốc ổi; 1.000 gốc xoan, 3 ha ngô cộng thêm 1,3 ha ao cá.
Người dân làng Ngoan A vẫn bảo nhau đố anh dám ốm. Ốm thế nào được với cơ ngơi thế này. Anh chia sẻ: “Phải nhanh như chong chóng mới kham nổi. Tất bật quanh năm với chè, mía, chuối, lúa, ngô, cá, chanh hồng...Có vụ huy động đến 40, 50 nhân công một ngày mới kịp thu hoạch giao hàng cho khách”.
Trung bình hai trang trại, mỗi tháng thu 2-3 tạ chè khô; 20 tấn chuối, 3-4 tấn cá, 40 tấn lúa, ngô/năm, đem lại nguồn thu 700 - 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Ngắm nhìn cơ ngơi ấy, nhiều người ví anh như chàng Mai An Tiêm trong câu chuyện cổ tích xa xưa làm nên bao điều kỳ diệu.
Năm 2014, anh vinh dự được dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Năm 2016, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Thế nhưng, đối với anh, niềm hạnh phúc lớn lao nhất đó là: “Vượt qua được bản thân, khẳng định “thương binh tàn nhưng không phế” như lời Bác đã dạy”. Nói xong anh cười rạng rỡ - nụ cười của người lính chiến thắng bao trận mạc... |