Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.
Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm thâm hụt 1,47 tỷ USD.
Như vậy, sau nhiều năm duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng rõ rệt khi liên tiếp tháng 5 và tháng 6 năm 2021 nhập siêu quay trở lại. Tuy nhiên, cán cân thương mại đổi chiều tại thời điểm này được nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định là không đáng ngại lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu là do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.
Xuất siêu/ nhập siêu các năm.
Nếu chỉ nhìn vào biến động của các kỳ ngắn hạn thì rất khó để đưa ra nhận định về chiều hướng của xuất khẩu. Biến động lớn của số liệu mỗi kỳ là điều hết sức bình thường và không thể căn cứ vào đó để cho rằng xuất khẩu tiêu cực đi (nhất là khi tình trạng nhập siêu xuất hiện) hay đã tích cực lên.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường, vì hiện nay các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.
Các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý 3/2021, thậm chí quý 4/2021. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.
Tuy nhiên, nếu như nhập siêu xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu thì không có gì phải lo ngại vì nó sẽ tạo tiền đề cho sản xuất và sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau.
Thế nhưng nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2021 lại là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ thì rất đáng lo, bởi nó chẳng những không có tác dụng thúc đẩy mà ngược lại còn có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Đơn cử như ô tô, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 78.000 chiếc, trị giá 1,79 tỷ USD, tăng 92,1% về lượng và tăng 94,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong 10 mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất trong nửa đầu năm 2021.
Nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2021 lại là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ thì rất đáng lo, bởi nó chẳng những không có tác dụng thúc đẩy mà ngược lại còn có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Bên cạnh con số nhập siêu còn xuất hiện những lo lắng từ việc các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả. Cụ thể 6 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 15,01 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD tỷ USD. Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế có thể sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.
Trong báo cáo về tình hình thương mại mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu… đây sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các năm.
Ngoài ra, các nước như Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh, tiến tới cân bằng và có thặng dư thương mại khi kết thúc năm 2021.
Tuy nhiên, trước mắt hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.
Trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong bối cảnh nhu cầu các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đang hồi phục tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu bứt phá, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay thì giá linh kiện, nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng nhanh, cùng với đó là xuất hiện các ca lây nhiễm Covid trong các khu công nghiệp đe dọa đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lại đang là những thách thức lớn.
Điều này một lần nữa cho thấy việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên dập dịch Covid -19 là vô cùng cấp bách để giữ cho được động lực xuất khẩu năm nay.
Một số thị trường xuất, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2021.
Trong năm 2021, xuất khẩu và đầu tư công được xem là hai trong số những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Do đó, để góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng khoảng 6,5%, ngành công thương phấn đấu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, tiếp tục duy trì đà xuất siêu.
Để thực hiện được điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết một trong những giải pháp ưu tiên được lựa chọn là sẽ tận dụng tốt hơn các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, tạo nền tảng vững chắc cho việc doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng cũng như tạo lực đẩy cho xuất khẩu bền vững trong năm 2021.