Mới đây, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã công bố việc mua lại 70% cổ phần của CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm 2021, theo đó công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần.
Động thái này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam – nơi đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa. Khoản đầu tư vào Duy Tân sẽ hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam.
Đặc biệt, nhựa bao bì đang là ngành trọng tâm hiện nay của SCG, từ đầu năm 2020 Tập đoàn này cho biết đang điều chỉnh để đối phó với những biến động kinh thông qua mô hình kinh doanh tích hợp để phát triển bền vững trong khu vực ASEAN. Bên cạnh các nước đang phát triển khác, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn là điểm đến đầy tiềm năng với 2 thương vụ thâu tóm được hoàn tất ngay trong năm 2020.
Trong đó, SCG đã đầu tư vào Bao bì Biên Hòa (Sovi) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ mở rộng tiềm năng của tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thực phẩm.
Được biết, Sovi là doanh nghiệp sản xuất bao bì lâu đời sớm được thành lập năm 1968. Sản phẩm của Sovi được các công ty hàng đầu Việt Nam cũng như các công ty liên doanh ký hợp đồng cung cấp dài hạn như Lever Việt Nam, Kinh Đô, Bibica, Coca-Cola…
Doanh thu Sovi tăng trưởng đều đặn hàng năm. Riêng năm 2019 – trước khi về tay SCG, Sovi ghi nhận 1.704 tỷ đồng doanh thu (khoảng 73 triệu USD), giảm 4%; song, nhờ việc tái cấu trúc mang về lợi nhuận sau thuế 141 tỷ - gấp 2,3 lần năm trước.
Tương tự, Duy Tân cũng là đơn vị có thâm niên tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1987 và là một trong những doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất. Năng lực sản xuất của Duy Tân hiện vào mức 116.000 tấn sản phẩm/năm, kênh phân phối đạt 16.000 điểm bán.
Duy Tân được đánh giá là một trong những công ty nhựa hàng đầu tại thị trường Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hơn 33 năm trong lãnh vực sản xuất bao bì mỹ phẩm, bao bì thực phẩm, nhựa gia dụng. Biên lãi doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng năm với tốc độ 18%. Tương ứng lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng, mức biên bình quân đạt khoảng 20%.
Cùng với Sovi và Duy Tân, danh sách các công ty thành viên của SCG trong mảng bao bì hiện có hơn 20 đơn vị, bao gồm Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech, Vật liệu nhựa Minh Thái, Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Bao bì AP, Sản xuất Bao bì Alcamax, Packamex…
Trong đó, Kraft Vina là nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam và cũng đứng đầu về quy mô doanh thu với 5.000-6.000 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2019). Đóng góp hàng ngàn tỷ doanh thu trong 2 năm trở lại đây còn có Batico với 1.400-1.500 tỷ.
Được biết, mua lại 80% cổ phần Batico cũng là một trong những thương vụ lớn của SCG tại Việt Nam, được thực hiện vào năm 2015 với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD). Lúc bấy giờ, Batico thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì với công suất 230 triệu m2/năm.
SCG và những đơn vị thành viên nổi bật tại Việt Nam
Thế lực lớn trong ngành vật liệu xây dựng
Bên cạnh loạt thương vụ trong ngành nhựa-bao bì thời gian qua thì SCG cũng trở thành một thế lực lớn trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với những thương vụ mua lại Prime Group, StarCemt/Xi măng Sông Gianh hay Nhựa Bình Minh.
Năm 2012, SCG đã chi ra 240 triệu USD để mua lại 85% cổ phần của nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam là Prime Group.
Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Năm 2017, SCG tiếp tục chi 156 triệu USD để mua lại công ty VCM - đơn vị sở hữu nhà máy Xi măng Sông Gianh tại Quảng Bình.
Trong lĩnh vực nhựa xây dựng, SCG từng đầu tư vào cả Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Sau đó, tập đoàn này đã thoái hết vốn tại Nhựa Tiền Phong đồng thời tăng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên hơn 54%.
Tham vọng vọng lớn với Nhà máy hóa dầu Long Sơn
Về SCG, là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: Xi măng - Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging), SCG không còn xa lạ trên thương trường Việt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ trong thập niên qua.
SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 đến nay với hơn 21 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.500 nhân viên. Trong đó, các sản phẩm thuộc ngành Xi măng - Vật liệu xây dựng gồm: ngói bê tông; xi măng trắng; bê tông tươi thương hiệu SCG; gạch men ốp tường và lót sàn thương hiệu Prime; sứ vệ sinh và phụ kiện nhà tắm COTTO.
Đặc biệt là thương vụ đình đám nhất diễn ra vào tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%.
Dự án có tổng diện tích 464ha, nằm trong KCN Dầu khí Long Sơn (Tp. Vũng Tàu). Theo thiết kế, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có khả năng sản xuất 1,6 triệu tấn Olefin/năm với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, proban, napta… Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM).
Hiện, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đang hoàn thành hơn phân nửa tiến độ. Nếu chính thức vận hành và ghi nhận doanh thu lợi nhuận, đây sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy chỉ số SCG Việt Nam tăng đột biến.
Được biết, xét riêng về quy mô, tính đến ngày 31/12/2020, SCG Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 111.044 tỷ đồng (4.806 triệu USD), tăng 50% so với cùng kỳ với đóng góp chủ yếu đến từ ngành hoá dầu.
Liên tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam với chính sách ưu tiên đầu tư vào Việt Nam sẽ là mua lại nhằm đến với thị trường nhanh hơn, SCG thu về hàng tỷ USD doanh số mỗi năm, tốc độ tăng trưởng đạt 29%. Riêng giai đoạn 2015-2017, doanh thu SCG Việt Nam tăng gần gấp đôi từ mức 14.000 tỷ lên 25.703 tỷ đồng.
Năm 2020, SCG Việt Nam đạt doanh thu bán hàng đạt 26.574 tỷ đồng (1.144 triệu USD), giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm tại mảng ngành kinh doanh Xi măng - VLXD và xuất khẩu từ Thái Lan.