Mới đây, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, các cơ quan, ban ngành sẽ đưa ra những chính sách nhằm thu hút đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong).
Để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược vào KKT Vân Phong, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong) cho biết, sau hơn 15 năm thành lập và phát triển, KKT Vân Phong đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hoà.
Giai đoạn 2016–2020, KKT Vân Phong đã thu hút mới 42 dự án (trong đó có 9 dự án FDI), điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (trong đó có 4 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 66.045 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2016-2020 (50.000 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2021, KKT Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 2,15 tỷ USD đạt 52% vốn đăng ký. Trong đó, có 97 dự án đã đi vào hoạt động, 58 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho khoảng trên 6.000 lao động.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định, KKT Vân Phong có đóng góp quan trọng, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động. Các dự án đầu tư vào khu kinh tế cũng đã hỗ trợ cho địa phương sở tại đầu tư, xây dựng hạ tầng. Cùng với đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình khó khăn, các em học sinh trên địa bàn bằng nhiều chương trình, hoạt đồng vì cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vân Phong có hai đặc điểm nổi trội là du lịch, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics.
Theo đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào KKT Vân Phong trong lĩnh vực cảng biển, logistic, khu công nghiệp, khu chức năng công nghiệp, lọc hóa dầu, điện khí, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Theo Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong, hiện có nhiều dự án hạ tầng đi qua KKT Vân Phong được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Một số dự án điển hình như đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Mê Thuột (điểm đầu tuyến là ngã ba QL1A-QL26B thuộc KKT Vân Phong), đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, nâng cấp mở rộng QL 26B, đường sắt cao tốc Nha Trang-Hồ Chí Minh, nâng cấp mở rộng quy mô Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.
Để tiếp tục phát triển KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tranh thủ tối đa mọi nguồn lực ưu tiên hỗ trợ từ Trung ương để tập trung xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tỉnh tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các cơ quan Trung ương đối với việc xây dựng, ban hành và áp dụng các chính sách phát triển đặc thù cho khu vực vịnh Vân Phong, đưa Vân Phong trở thành khu kinh tế ven biển ưu tiên có tính chiến lược phát triển của quốc gia và khu vực.
Tại Nghị Quyết số 05-NQ/TU ngày 11/01/2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào KKT Vân Phong tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Khánh Hòa mong muốn KKT Vân Phong sẽ đóng góp 30-40% vào ngân sách của tỉnh, giá trị công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh, tạo việc làm mới ổn định cho khoảng 15.000 lao động.