Cụ thể, khu kinh tế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ đã thu hút được 123 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 1,39 tỷ USD, đạt 33% vốn đăng ký. Trong số này có 89 dự án đã đi vào hoạt động, 63 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.
Khu kinh tế đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh trên 20.950 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 6.200 lao động. Kết quả thu hút đầu tư này chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) còn khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gần như vẫn giữ nguyên trạng, chưa khai mở được tiềm năng.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho TTXVN biết, Khu kinh tế Vân Phong có đóng góp quan trọng, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động. Các dự án đầu tư vào khu kinh tế cũng đã hỗ trợ cho địa phương sở tại đầu tư, xây dựng hạ tầng. Cùng với đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình khó khăn, các em học sinh trên địa bàn bằng nhiều chương trình, hoạt đồng vì cộng đồng.
Để tiếp tục phát triển Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tranh thủ tối đa mọi nguồn lực ưu tiên hỗ trợ từ Trung ương để tập trung xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các cơ quan Trung ương đối với việc xây dựng, ban hành và áp dụng các chính sách phát triển đặc thù cho khu vực vịnh Vân Phong, đưa Vân Phong trở thành khu kinh tế ven biển ưu tiên có tính chiến lược phát triển của quốc gia và khu vực.
Mặt khác UBND tỉnh chủ động liên kết với các địa phương lân cận vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển như Phú Yên, Đắk Lắk để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng.