Phân khúc đất nền vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi các khó khăn đến từ yếu tố pháp lý, dòng tiền và tâm lí người mua. Thị trường TP.HCM gần như vắng bóng nguồn cung mới. Trong khi đó, các khu vực vệ tinh, giáp ranh thành phố thì lại có chuyển biến tích cực hơn.
Anh Vũ Minh Quang (nhân viên môi giới) cho biết 3 tháng trở lại đây, công ty của anh có nhận phân phối một số sản phẩm đất nền ở Bình Dương. Đây là các sản phẩm hàng tồn, thuộc dự án đã mở bán hơn 1 năm trước. Anh Quang cho biết giai đoạn này thị trường đã qua giai đoạn "ăn xổi". Khách hàng chỉ tin tưởng xuống tiền mua các nền đất có sổ, pháp lý rõ ràng.
"Dù giá sản phẩm có đắt một tí nhưng nếu pháp lý rõ ràng thì vẫn có cơ hội thuyết phục khách hàng. Mấy tháng qua tôi chủ yếu bán hàng ở Bình Dương thôi chứ địa bàn TP.HCM thì chịu thua thì vì không có nguồn cung mới", anh Quang chia sẻ.
Dữ liệu của DKRA Group, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới đất nền trong tháng 4/2024 duy trì ở mức thấp, tỷ lệ giảm lần lượt là 71% và 97% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, chỉ có 4 dự án được mở bán, bao gồm 1 dự án mới và 3 dự án là mở bán giai đoạn tiếp theo. Đáng chú ý, nguồn cung mới thị trường chủ yếu đến từ khu vực giáp ranh TP.HCM. Trong đó, số dự án tại Bình Dương chiếm hơn 50% tỷ trọng nguồn cung thị trường (50,6%). Các thị trường tiếp theo như Tây Ninh chiếm 31,7%, Long An chiếm 2,5% và TP.HCM chiếm 15,2% nguồn cung mới.
Một số dự án được điều chỉnh giá bán cho phù hợp với tình hình thực tế, ghi nhận mức giảm trung bình 4% so với lần mở bán trước đó. Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, ưu đãi khách hàng địa phương, hỗ trợ dòng vốn,... được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group cho hay, thanh khoản thị trường thứ cấp duy trì tín hiệu tích cực. Giao dịch phát sinh chủ yếu ở sản phẩm hoàn chỉnh pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối đất nền tại Bình Dương cho biết so với giai đoạn 1- 2 năm trước thì các tháng đầu năm 2024, thị trường đã có dấu hiệu tăng nhiệt. Hiện tại, đơn vị cũng đã phân phân phối vài chục nền đất tại Tân Uyên và Đồng Xoài (Bình Phước).
"Sức mua của khách hàng vẫn còn rất chậm. Ngoài ra, khách cũng đòi hỏi khắt khe hơn về tính pháp lý của dự án. Tuy nhiên so với giai đoạn tê liệt trước đây thì việc bán được hàng "lai rai" cũng đã tốt hơn nhiều", vị này cho hay.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, nhiều hơn nhà đầu tư đã trở lại đi "săn" đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Dù mức giá giao dịch thành công giảm từ 20-30% so với đỉnh sốt, nhưng đã đi vào ổn định và không còn dấu hiệu giảm giá.
Các chuyên gia của VARA đánh giá giao dịch thị trường sẽ chỉ tập trung tại các lô nhỏ ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo pháp lý. Trước việc Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã siết chặt hoạt động phân lô bán nền, một số nhà đầu tư sẽ có xu hướng cắt lỗ để nhanh "thoát hàng" những lô đất to, chưa tách thửa.
Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư săn những lô đất đã tách thửa, pháp lý hoàn chỉnh. Bởi khi Luật mới chính thức có hiệu lực thì hoạt động chia lô, tách thửa đất bị kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ khiến nguồn cung đất nền trở nên khan hiếm hơn, từ đó giá trị sản phẩm sẽ tăng cao.