Địa điểm "vô danh" bỗng nổi tiếng sau vụ "tắm máu"
Cho tới gần đây, rất ít người Mỹ có thể tìm thấy Sri Lanka trên bản đồ. Tuy nhiên, quốc gia Ấn Độ Dương bỗng trở thành tâm điểm của cả thế giới vào cuối tuần Lễ Phục Sinh với loạt vụ đánh bom cực kỳ tinh vi và đẫm máu. Những kẻ khủng bố đã gây ra vụ "tắm máu" thực sự ở đảo quốc 20 triệu dân.
Những vụ tấn công được truyền cảm hứng, khuyến khích và có thể là sự hỗ trợ từ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Với 320 người thiệt mạng, nó chẳng khác gì một vụ khủng bố 11/9 của người Sri Lanka nếu tính theo tỷ lệ thương vong trên tổng dân số.
Các cuộc tấn công này được thực hiện bởi những kể đánh bom liều chết và những thiết bị nổ được đặt ngẫu nhiên. Quy mô của vụ tấn công dường như đã vượt xa khả năng của nhóm Hồi giáo Cực đoan Sri Lanka có tên Thawahid Jaman, những kẻ đứng lên nhận trách nhiệm thực hiện vụ khủng bố.
Trong quá khứ, Thawahid Jaman nổi tiếng với việc phá hoại các bức tượng Phật (70% dân số nước này theo đạo phật). Ý tưởng cho rằng nhóm cực đoan này có thể lên kế hoạch và tiến hành đồng loạt 9 vụ đánh bom chính xác theo thời gian định sẵn trên phạm vi toàn quốc dường như là điều khó có thể tưởng tượng. Tuy nhiên, nếu đúng sự nhúng tay của IS có thể biến Thawahid Jaman thành một tổ chức khủng bố nguy hiểm thì rõ ràng thế giới đang phải đương đầu với một sự kiện lịch sử, khai sinh ra hình thức khủng bố thế hệ mới và dựa chủ yếu vào Internet.
Sự ra đời của Khủng bố 3.0
Chào mừng đến với Chủ nghĩa Khủng bố 3.0. Đây là cách gọi khiến người ta liên tưởng khủng bố toàn cầu cũng như những phần mềm trên máy máy tính, được cải thiện qua nhiều thập kỷ. Khủng bố 1.0 được cho xảy ra vào những năm 1980, khi các băng Red Brigades của Italy, Baader-Meinhof của Đức, Sendero Luminoso của Peru… lộng hành. Khủng bố 2.0 xuất hiện sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, được thể hiện bằng sự gia tăng của các nhóm cực đoan như al-Qaeda, Al-Shabab, Boko Haram…. Về cơ bản, những nhóm này vẫn chủ yếu hoạt động trong khu vực với tầm quốc tế lẻ tẻ.
Trong Khủng bố 3.0, nổi lên đáng chú ý nhất là Lực lượng Tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là một tổ chức khủng bố toàn cầu, có khả năng gây chết người cao, có nguồn lực tài chính và sự sáng tạo sâu sắc. Trong khi những thành trì của IS liên tục bị đánh bay ở Iraq và Syria, IS chuyển mình thành một tổ chức lộng hành dựa trên Internet, tiếp tục thực hiện các vụ tấn công tinh vi cũng như gây dựng chân rết trên phạm vi toàn cầu.
Nhìn từ góc độ kinh tế, IS giống như một tập đoàn toàn cầu nhưng sẵn sàng can thiệp vào những công việc nhỏ nhất là những vụ khủng bố ở khắp mọi nơi. Một bản đồ toàn cầu cho thấy những vụ tấn công do IS hoặc lấy cảm hứng từ tổ chức này đang ngày càng nhiều với quy mô rộng lớn. Nó vượt xa những gì mà al-Qaeda đã làm được.
Và chắc không ai nghi ngờ việc tổ chức này tiếp tục gây ra các vụ tấn công chết người. Thậm chí, theo thời gian, chúng có thể gây ra những vụ tấn công với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như sinh học, hóa học, phóng xạ và tấn công mạng.
Ngay cả khi Mỹ bắt đầu tránh xa các hoạt động chống khủng bố để đối mặt với những thách thức mới trong chính trị trước những đối thủ đang ngày càng lớn mạnh như Nga và Trung Quốc, IS vẫn không có ý định buông tha nước Mỹ dù không còn "tấc đất cắm dùi". Câu hỏi đặt ra là Mỹ và các đồng minh châu Âu phải làm sao để cân bằng những lợi ích mà họ đang theo đuổi và không bỏ quên mất khủng bố.
Giải pháp chống Khủng bố 3.0
Để chống IS và Khủng bố 3.0, cần quốc tế hóa các nỗ lực chống khủng bố. Liên minh chống IS hiện có hơn 70 quốc gia và các tổ chức quốc tế tham gia ở cấp độ này hay cấp độ khác. Di sản này được gây dựng dưới thời Tổng thống Obama và đang được Chính quyền Trump kế thừa. Tuy nhiên, những "kiến trúc sư" chủ chốt như Tướng John Allen đã nghỉ hưu còn nhà ngoại giao Brett McGurk thì bị ông Trump loại bỏ.
Nước Mỹ Cần có những chuyên gia mới để nỗ lực này đi đúng hướng cũng như để Mỹ tự khẳng định mình là người lãnh đạo. Thông điệp gửi tới Cộng đồng quốc tế là chiến thắng ở Syria không phải là tất cả. Nó chỉ báo hiệu một giai đoạn mới, cần sự nỗ lực gấp đôi trong việc phối hợp và chia sẻ thông tin tình báo để đáp trả các động thái của IS.
Thứ hai, các bên cần một mức độ hợp tác tốt hơn, đặc biệt là trong tình báo, hành động quân sự, ngoại giao và các hoạt động phát triển khác để chống IS. Cuộc chiến chống khủng bố đang ngày càng trở nên phức tạp khi IS dựa vào Internet để lộng hành.
Bên cạnh đó, sự chia sẻ thông tin giữa các chính phủ với nhau hoặc sự hợp tác với các tổ chức như Interpol, Hội chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ, Bác sĩ không biên giới… cũng rất cần thiết. Mục tiêu của nó không phải là khủng bố mà là giải quyết các vấn đề cơ bản như đói nghèo, bệnh tật để ngăn con người theo chân khủng bố. Ngoài ra, cũng cần sự chung tay của những ông lớn công nghệ, đặc biệt là Google, để ngăn chặn các tổ chức khủng bố có thể truy cập mạng xã hội và reo rác những chiến dịch thảm sát.
Khủng bố 3.0 sẽ tiếp tục lan rộng như một căn bệnh ung thư toàn cầu và lây lan nhanh hơn với Internet. Chúng ta không chỉ cần những giải pháp sức mạnh cổ điển như đã thấy ở Iraq và Syria mà còn là sự kết hợp các công cụ của thế kỷ 21 khác nhằm kiềm chế và khuất phục chúng.