Chính phủ đang trong quá trình soạn thảo một cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Bản dự thảo về cơ chế này cũng đã chính thức được công khai lấy ý kiến các bên liên quan.
Theo đó, Chính phủ xác định việc phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Dự án điện mặt trời chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phải thực hiện công tác lập, thẩm định, trình bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Bất ngờ khung giá điện mặt trời
Dự thảo cũng nhấn mạnh đến bên mua điện tức Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty điện lực và một số tổ chức khác phải có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại.
Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau 20 năm, hai bên có thể gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về giá, dự thảo này của Chính phủ có quy định giá mua điện mặt trời chia làm 4 vùng tuỳ thuộc vào từng công nghệ điện mặt trời.
Cụ thể, dự án điện mặt trời có mức thu mua 2.159 đồng/kWh, tương ứng 9,44 UScent/kWh, vùng 2 là 1.857 đồng/kWh tương ứng 8,13 UScent/kWh, vùng 3 giảm xuống 1.644 đồng/kWh, vùng 4 đạt 1.566 đồng/kWh.
Dự án điện mặt trời mặt đất có giá thu mua vùng 1 đạt 2.102 đồng/kWh, vùng 2 là 1.809 đồng/kWh, vùng 3 là 1.620 đồng/kWh, vùng 4 thấp nhất vào khoảng 1.525 đồng/kWh.
Dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ có giá thu mua vùng 3 khoảng 1.994 đồng/kWh và 1.877 đồng/kWh cho vùng 4.
Dự án điện mặt trời mái nhà có giá thu mua cao nhất, lên tới 2.486 đồng/kWh cho vùng 1, vùng 2 giảm xuống 2.139 đồng/kWh, vùng 3 đạt 1.916 đồng/kWh, vùng 4 là 1.803 đồng/kWh.
Đây là mức giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của USD (UScents/kWh).
Theo dự thảo, giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới chỉ áp dụng cho các dự án có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.
Giá mua điện tại khoản 1 Điều này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước năm 2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Dự thảo giá mua điện mặt trời vừa mới công bố.
Khuyến khích điện mặt trời mái nhà
Với mức giá thu mua điện trong dự thảo, rõ ràng điện mặt trời mái nhà đang được ưu tiên mua cao nhất.
Dự thảo cho biết, có 4 loại mô hình phát triển điện mặt trời mái nhà. Thứ nhất, mô hình hộ tiêu thụ điện là là mô hình điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với điểm đấu nối nằm giữa hệ thống đo đếm và hệ thống tiêu thụ. Hệ thống đo đếm sử dụng công tơ hai chiều.
Thứ hai, mô hình hộ kinh doanh bán điện là mô hình điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với với điểm đấu nối nằm giữa hệ thống đo đếm và lưới điện của bên mua điện.
Thứ ba, mua bán điện trực tiếp là mô hình cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất và bán điện từ dự án điện mặt trời mái nhà cho cá nhân, tổ chức khác không đấu nối và không sử dụng hệ thống điện quốc gia.
Thứ tư, mua bán điện trung gian là mô hình mua bán điện: cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất và bán điện từ dự án điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện của đơn vị phân phối và bán lẻ điện không thuộc EVN và bán điện cho công ty điện lực.
Theo đó, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời mái nhà trong điều kiện lưới điện cho phép. Đối với mô hình hộ tiêu thụ và mô hình hộ kinh doanh, EVN thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện
Ưu đãi hay không?
Xu hướng phát triển năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời đã nhiều lần được giới quan chức, kinh tế đề cập. Song với khung giá điện như hiện nay được cho là không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này.
Để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, ngày 8/1, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11.
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đã gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam. Dự thảo có hiệu lực từ 1/7/2019 nếu được phê duyệt.
Tuy nhiên, nếu như nhìn vào bảng giá mua điện điện mặt trời có thể thấy rõ không chênh lệch nhiều so với các nguồn điện khác. Đặc biệt, tại các vùng có tiềm năng phát triển điện mặt trời lớn như miền Nam, Đông Nam Bộ, hay khu vực Tây Nguyên, chỉ dao động từ 1.566 đồng/kWh - 1.664 đồng/kWh với các dự án nổi, dự án mặt trời mặt đất còn thấp hơn khi ở mức 1.525 đồng - 1.620 đồng/kWh (6,67 US cent - 7,09 US cent).
Mức mua điện này thậm chí còn thấp hơn mức thu mua một số nhà máy nhiệt điện than (7 US cent/kWh).
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho việc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện cao nhất lên tới 1.896,05 đồng/kWh (8 US cent/kWh), cao hơn so với điện mặt trời vùng 4. Với khung chính sách, cơ chế ưu đãi này, e rằng Việt Nam khó có thể biến tiềm năng điện mặt trời thành hiện thực.