Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc trong hơn 3 tháng qua khiến việc dỡ hàng bị trì hoãn. Tình hình này cũng tệ ở một số nước châu Á khác. Điều này khiến nhiều container đang bị mắc kẹt. Điều tệ hơn là khi dịch bệnh lan ra toàn cầu, các cảng ở Trung Quốc bắt đầu cách ly tàu trong vòng 14 ngày, đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng container toàn cầu.
Greg Cherewyk, chủ tịch Pulse Canada có trụ sở tại Manitoba, Canada, cho biết: "Lượng container có thể chuyên chở hàng triệu tấn hàng hóa đang bị ‘treo’. Một ngành công nghiệp như chúng ta, chắc chắn sẽ phải chịu tác động nhiều của cuộc khủng hoảng này". Pulse Canada hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đậu Hà Lan và một số nông sản khác.
Các container mang hàng tiêu dùng từ châu Á thường được dỡ xuống và chất đầy bởi các loại hàng hóa xuất khẩu khác. Brazil thường vận chuyển thịt, bột giấy và cà phê trong các container tới Trung Quốc. Hành trình này mất một tháng mỗi chiều. Canada thì sử dụng chúng để vận chuyển mọi thứ từ sản phẩm nông nghiệp đến gỗ, ván ép và giấy.
Theo báo cáo của Bloomberg, lượng container rỗng ở các kho hàng hóa tại Hamburg, Rotterdam và Antwerp ở Châu Âu và Long Beach và Los Angeles ở Mỹ đang tụt xuống mức thấp kỷ lục nhất từng được ghi nhận. Lượng hàng hóa nhập cảng vào Los Angeles và Long Beach, nơi chiếm 35% số container tới Mỹ, đã giảm 13% trong hai tháng đầu quý 1. Tuy nhiên, khối lượng có thể tăng khi Trung Quốc gia tăng xuất khẩu sau khi phục hồi bởi dịch.
Tuy nhiên, khó khăn chắc chắn sẽ kéo dài. Canada hiện không đủ container để vận chuyển hàng hóa sau khi 30 tàu Trung Quốc hủy chuyến đến Vancouver kể từ tháng 1. Các loại đậu, được sử dụng trong nấu ăn hay thực phẩm đóng gói, lại không thể đến được tay khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tích trữ tăng cao vì dịch.
Mark Hemmes, chủ tịch của Quorum Corp có trụ sở tại Edmonton - một công ty được chính phủ liên bang thuê để theo dõi hệ thống vận chuyển ngũ cốc của Canada, thừa nhận: "Chúng ta thực sự đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, hy vọng việc Trung Quốc bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất sẽ giúp tình trạng này được khắc phục trong vài tuần tới".
Adnan Durrani, CEO công ty thực phẩm Saffron Road, thì nói rằng việc nhận các gia vị, chẳng hạn như cà ri Thái Lan, thường mất nhiều thời gian hơn 1 tháng so với bình thường. Ngoài ra, nó còn có phí vận chuyển cao hơn. "Virus corona thực sự đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng", Durrani nhận định.
Trong khi đó, những nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil cũng phải vật lộn để đối phó với sự thiếu hụt container khi nhiều trong số đó chưa trở lại từ Trung Quốc. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ cũng đã chịu tác động dù họ đang xuất một lượng khổng lồ sản phẩm sang Trung Quốc.