Thế mạnh Việt top 2 thế giới sụt giảm mạnh
Báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), sang tháng 11/2019, giá cà phê thế giới biến động theo chiều hướng tăng dù mức tăng không mạnh.
Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại có dấu hiệu gia tăng khiến dòng vốn đầu cơ tháo chạy khỏi các sàn chứng khoán và đổ dồn vào các sàn giao dịch nông sản. Kéo theo đó, giá cà phê quay đầu tăng trở lại.
Ngoài ra, giá cà phê tăng còn có sự hỗ trợ từ tâm lý lo ngại rằng Brazil báo cáo xuất khẩu tháng 10 giảm, kết thúc chuỗi xuất khẩu tăng kỷ lục lịch sử. Bởi, Brazil bước vào thời kỳ mất mùa của chu kì xảy ra 2 năm một lần. Đồng thời, mức giá thấp (thấp hơn chi phí sản xuất ở một số nước trồng cà phê) trong thời gian qua buộc người trồng cà phê giảm đầu tư cho cà phê khiến sản lượng toàn cầu giảm.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cũng dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê thay vì dư thừa như báo cáo trước đó do ước tính tiêu thụ toàn cầu tăng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta cũng có xu hướng tăng do thị trường cà phê hòa tan mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi. Nguồn cung giảm trong mùa vụ tới trong bối cảnh tiêu thụ toàn cầu tăng kéo giá cà phê tăng lên.Trong khi Việt Nam - nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - ước xuất khẩu niên vụ cà phê 2018/2019 vừa kết thúc giảm hơn 10% so với niên vụ cà phê trước đó.
Cùng với xu hướng của thị trường thế giới, thị trường cà phê trong nước cũng biến động tăng trong tháng 11/2019. So với tháng 10/2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.200-1.300 đồng/kg lên 33.500-33.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta giá FOB giao tại cảng Sài Gòn tăng 80 USD/tấn lên 1.527 USD/tấn.
Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới theo xu hướng của cà phê thế giới và đồng thời nguồn cung cà phê của Việt Nam được dự báo giảm mạnh do người trồng giảm đầu tư cho cây cà phê và chuyển sang trồng cây trồng xen và cây trồng khác.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê từ đầu năm đến nay ước đạt 1,46 triệu tấn và 2,52 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá cà phê Việt Nam xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2019 đạt 1.723 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), ngành cà phê Việt Nam đang dứng trước nhiều thách thức lớn do biến động giá cả và cán cân cung - cầu. Hiện giá cà phê đã giảm sâu tới 40% so với thời điểm năm 2010, khiến nông dân trồng cà phê gặp khó khăn và có xu hướng giảm diện tích trồng, giảm đầu tư cho cây cà phê dẫn đến năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp cà phê đang đẩy mạnh khâu chế biến, tích cực thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa để thoát khỏi khủng hoảng |
Quay lại tìm cơ hội tại thị trường nội địa
Hội thảo "Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng giá 2019" diễn ra ngày 3/12, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết, việc giá cà phê xuống mức rất thấp và kéo dài hơn 2 năm qua, cộng thêm những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến ngành cà phê Việt Nam.
Theo đó, cà phê bán ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất, khiến người nông dân không thể trả được lãi vay ngân hàng.
Để giải quyết tình trạng này, ông Tự cho rằng, thay bằng xuất thô như từ trước tới nay vẫn làm, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực chế biến cà phê rang xay, hòa tan để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Từ đó, hỗ trợ nông dân vượt qua khủng hoảng giá cả.
Ông Tự cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp cà phê cũng đang phát triển thị trường tiêu thụ trong nước nhằm thúc đẩy đầu ra cho cà phê Việt Nam. Bởi, cả nước có gần 30.000 quán cà phê và đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi lượng cà phê tiêu thụ cà phê trong nước vẫn còn khá khiêm tốn. Tính trung bình toàn thế giới mỗi người tiêu thụ khoảng 7kg cà phê/năm, tại Việt Nam lại mới chỉ đạt 2kg/người/năm.
Các doanh nghiệp kỳ vọng có thể nâng chỉ tiêu này lên mức 4kg/người/năm thông qua việc phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu, tiện lợi. Từ đó, giảm phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới, giúp nông dân yên tâm canh tác.
Đồng quan điểm, ông Gerardo Patacconi - Trưởng Ban Điều ICO, cũng cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng sản phẩm chế biến để xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, cũng như tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn Brazil có đến 40% cà phê được tiêu thụ nội địa, đây cũng là xu hướng mà các nước sản xuất cà phê lớn của thế giới đang làm, ông chia sẻ.