Cái nhìn bi quan về nền kinh tế tương lai đang ngày càng trở nên u ám trong năm 2019. Những con số gây thất vọng, lợi suất trái phiếu sụt giảm, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và khủng hoảng chính trị ở Anh càng làm người ta thêm tin vào một viễn cảnh sầu thảm trong năm 2020, và có thể là ảnh hưởng đến vài năm sau nữa. Tia sáng le lói nhất chính là các cổ phiếu thả nổi. Ngày 9/4 sắp tới, IMF có thể sẽ báo cáo hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trước đó, con số này là 3,5% hồi tháng 1.
Dự báo là một chuyện, trên thực tế, đến nay ta mới chỉ thấy một vài sự giảm tốc, chứ chưa hẳn là suy thoái. Bởi lẽ, những yếu tố kể trên chủ yếu tác động đến ngành công nghiệp sản xuất, chứ tầm ảnh hưởng của nó chưa thể lan đến ngành dịch vụ. Điều này có thể thấy rất rõ ở 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ, Trung Quốc, và EU. Nếu như có sự phục hồi sản xuất, bức tranh kinh tế có thể sẽ khởi sắc hơn vài phần.
Theo IHS Markit - nhà cung cấp thông tin toàn cầu (trụ sở tại London), có thể thấy sự sụt giảm khá mạnh trong ngành sản xuất, nhưng trái lại, ngành dịch vụ vẫn cho thấy sự khởi sắc, hoặc không suy giảm quá nhiều.
Tai ương sắp tới với các nhà sản xuất hàng hóa chủ yếu bắt nguồn từ sự giảm sút trong tăng trưởng thương mại toàn cầu. Điều này xảy ra một phần là do cuộc chiến thương mại, và một phần do các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng giảm đòn bẩy. Họ chủ động làm tăng trưởng trong nước chậm lại vào cuối năm ngoái, để giảm nhu cầu nhập khẩu.
Châu Âu là khu vực "mất máu" nhiều nhất, vì đây là khu vực tiếp xúc nhiều với các thị trường mới nổi, nhiều hơn so với Mỹ. Những tổn thất này đang đánh mạnh nhất vào nước Đức - anh cả của EU. Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs cho biết: giảm tốc sản xuất công nghiệp ở Đức đã trở nên nghiêm trọng hơn ở Ý - nơi mà người ta tưởng là tình hình đã xấu lắm rồi. Vào ngày 1/4 vừa qua, một cuộc khảo sát thực hiện với các nhà sản xuất Đức được hé lộ, trong đó thị trường trái phiếu tháng 3 hóa ra còn tồi tệ hơn cả dự kiến.
Trái với công nghiệp, ngành dịch vụ của Đức, cũng như dịch vụ của toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu, dường như đang phát triển mạnh mẽ.
Ngành dịch vụ đang cho thấy ít sự biến động hơn so với sản xuất. Dịch vụ vẫn đang tạo ra một "miếng bánh GDP" lớn cho thế giới, vì bản chất của nó hầu như là sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không ảnh hưởng nhiều bởi thương mại toàn cầu. Nhờ có ngành này, phần lớn thị trường lao động và người tiêu dùng vẫn đang tương đối sôi động (tỷ lệ thất nghiệp của Đức chỉ là 3,1%).
Chỉ ngoại lệ ở Anh, dữ liệu khảo sát được công bố vào ngày 1/4 và 3/4 cho thấy tăng trưởng trong sản xuất ở mức mạnh nhất trong năm vừa qua, và ngành dịch vụ thì bị thu hẹp. Điều này không khó hiểu. Cả hai đều liên quan đến Brexit. Người ta đang mất niềm tin vào nền kinh tế Anh, và sự tăng cường sản xuất này xảy ra đơn giản vì các công ty đang muốn dự trữ hàng hóa trong trường hợp Anh sẽ phải chấp nhận một Brexit "không êm đềm" - rời EU mà không đạt được thỏa thuận.
Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến các biến động tăng vọt, nhưng nếu chính sách mở rộng kinh tế của Mỹ tiếp tục được thực thi, nó sẽ trở thành chính sách mở rộng kéo dài nhất từ trước đến nay.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã chuyển sang kích thích nền kinh tế. Một số nhà dự báo cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Tháng 3 vừa qua, các nhà sản xuất đã báo cáo những kết quả tốt nhất của họ kể từ cùng kỳ năm ngoái.
Nếu cho rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, thì sự suy thoái này không chỉ cần lây lan xuyên biên giới, mà còn phải xuyên lĩnh vực nữa. Chừng nào điều đó chưa xảy ra, ngành dịch vụ vẫn còn trong vòng an toàn.