Theo thông tin từ SCMP, một cuộc khủng hoảng tiền mặt đã bắt đầu xảy ra, khi những người gửi tiết kiệm bị từ chối truy cập vào tài khoản của họ, tại một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam và An Huy, Trung Quốc do nâng cấp hệ thống vào ngày 18/4.
Khách hàng tại 4 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam và một ngân hàng ở An Huy lân cận đã phản đối sau khi bị cắt tiền tiết kiệm kể từ tháng 4 (Ảnh: AFP)
Kể từ đó, các khoản tiền gửi tại các ngân hàng Yuzhou Xinminsheng Village Bank, Shangcai Huimin County Bank, Zhecheng Huanghuai Community Bank và New Oriental Country Bank of Kaifeng ở Hà Nam và Ngân hàng Guzhen Xinhuaihe Village Bank ở tỉnh lân cận là An Huy cũng đã bị ảnh hưởng.
Các nhà quản lý Trung Quốc chưa xác nhận số tiền bị đóng băng, nhưng những người gửi tiền đã thành lập các nhóm trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau để bày tỏ sự bất bình của họ và cho rằng, con số này lên tới hàng chục tỷ Nhân dân tệ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hồi tháng 4 cho biết, các bộ phận liên quan đã tiến hành điều tra bốn ngân hàng này. PBOC cũng nhấn mạnh sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Cuối tháng 5, rất nhiều hình ảnh và video về những người biểu tình trước chi nhánh Hà Nam của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) ở thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam bắt đầu lan truyền trên mạng, với các biểu ngữ yêu cầu “trả lại tiền của chúng tôi”. Ước tính có khoảng 1.000 người gửi tiền sau đó đã tập trung trước chi nhánh tại Trịnh Châu của PBOC để phản đối vào ngày 10/7 mới đây.
Một nhóm người biểu tình trước chi nhánh Hà Nam của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) ở Trịnh Châu vào tháng Năm (Ảnh: Weibo)
Văn phòng Công an Xuchang ở Hà Nam cho biết vào đầu tháng 7 rằng, cuộc điều tra của họ về cuộc khủng hoảng đang “tiến triển một cách có trật tự” và họ đã xác định được một người đàn ông vẫn đang bị cảnh sát truy lùng. Sau đó, họ đã bắt giữ các thành viên của một băng nhóm tội phạm bị cáo buộc tiếp quản các ngân hàng địa phương và thực hiện chuyển khoản bất hợp pháp thông qua các khoản vay giả mạo.
Còn phía CBIRC trước đó cho biết, một cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng Henan Xincaifu Group Investment Holding, một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở cả bốn công ty cho vay, đã liên kết với các nhân viên ngân hàng để thu hút trái phép các quỹ thông qua các nền tảng trực tuyến. Băng đảng này cũng sử dụng các nền tảng tài chính trực tuyến của bên thứ ba, nền tảng của riêng mình và một số công ty môi giới vốn để thu hút tiền gửi cũng như quảng bá nhiều sản phẩm tài chính.
Câu hỏi đặt ra là, liệu các nạn nhân của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hà Nam có lấy lại được tiền? Được biết tại Trung Quốc, các khoản tiền gửi bằng cả nội tệ và ngoại tệ do các ngân hàng trong nước nắm giữ đối với tất cả các doanh nghiệp, cá nhân, được đảm bảo lên tới 500.000 Nhân dân tệ mỗi người gửi tiền ở mỗi ngân hàng, nhưng không rõ liệu các ngân hàng nông thôn có được chi trả hay không.
Ngày 11/7, các chi nhánh của CBIRC tại tỉnh Hà Nam và An Huy đã khẳng định, khách hàng của 5 ngân hàng có số tiền gửi lên tới 50.000 Nhân dân tệ sẽ được hoàn trả trước. Việc trả nợ cho khách hàng của 5 ngân hàng sẽ bắt đầu từ ngày 15/7. Tuy nhiên, các tài khoản bị nghi ngờ có liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp, hoặc nhận được lãi suất cao từ các kênh khác sẽ không nhận được khoản hoàn trả.
SCMP cho hay, các ngân hàng nông thôn của Trung Quốc thường là những nhà tài chính chủ chốt cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ ở những khu vực kém phát triển và được coi là dễ bị tổn thương hơn trong thời kỳ kinh tế suy giảm.
Trong những năm qua, với nỗ lực thu hút vốn bên ngoài cơ sở hạn hẹp của mình, các ngân hàng nông thôn nhỏ của Trung Quốc đã hợp tác với các nền tảng trực tuyến không độc quyền, thường mang lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm tiền gửi tương tự từ các ngân hàng lớn hơn.
Điển hình, một sản phẩm tiền gửi được cung cấp bởi bốn ngân hàng thông qua các nền tảng của bên thứ ba như Duxiaoman Financial, đã cung cấp lãi suất từ 4,1 - 4,5% một năm và có thể được luân chuyển trong tối đa 5 năm. Trong khi đó, Ngân hàng Trung Quốc , một trong 4 ngân hàng cho vay thuộc sở hữu Nhà nước hiện chỉ có mức lãi suất 2,75% một năm cho sản phẩm tiền gửi 5 năm.
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã tăng cường giám sát 4.000 người cho vay nhỏ của nước này trong vài năm qua. Vào năm 2021, PBOC đã khuyến cáo các tổ chức cho vay địa phương không nên thu hút tiền gửi từ khắp cả nước bằng các nền tảng Internet, vì Ngân hàng Trung ương đang tìm cách hạn chế những người cho vay thu hút doanh nghiệp ra khỏi thị trường địa phương của họ.
Một vấn đề quan trọng khác là, cơ cấu cổ phần của một số ngân hàng nhỏ cho phép một số cổ đông tích lũy cổ phần đáng kể, mà không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý, đồng thời sử dụng người cho vay để đảm bảo các khoản vay. Trong khi Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đặt ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu và cam kết sẽ tăng cường giám sát trong hệ thống tài chính do nhà nước quản lý.
Enodo Economics, một công ty dự báo kinh tế vĩ mô ở London cho rằng, những vấn đề hiện tại mà một số ngân hàng nhỏ của Trung Quốc đang đối mặt không có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. “Ở Trung Quốc, nơi người dân không có cơ hội bày tỏ quan điểm thông qua bỏ phiếu, nhưng việc điều hành của ngân hàng trong nước hiện nay có thể mang lại niềm tin tích cực vào hệ thống hàng đầu của đất nước này”.