Quản trị tốt các hình thái của tiền điện tử
Tiền điện tử (electronic money hay e-money) là sản phẩm của kỷ nguyên số và có nhiều hình thái biểu hiện. Tại Việt Nam, cho tới nay tiền điện tử vẫn bị không ít người hiểu lẫn sang khái niệm là tiền ảo. Theo Vụ Thanh toán (NHNN) điểm khác biệt cơ bản giữa tiền điện tử và tiền ảo nằm ở việc tiền ảo không có được địa vị tiền pháp định như tiền điện tử, và tiền ảo cũng không được đảm bảo bằng tiền pháp định, không được pháp luật bảo vệ như tiền điện tử. Chính bởi vậy, NHNN đã nhiều lần nêu rõ quan điểm về việc Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam có khoảng trên 5 triệu Ví điện tử phát hành trên thị trường |
Tại Việt Nam, các văn bản pháp lý hiện hành liên quan đến tiền điện tử được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật riêng lẻ hoặc gián tiếp đề cập tại một số văn bản như: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101…
Tuy nhiên, theo NHNN khuôn khổ pháp lý về tiền điện tử tại Việt Nam cần phải được tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Qua rà soát văn bản pháp luật hiện hành và đối chiếu với những đặc tính của tiền điện tử và thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy tiền điện tử đang tồn tại dưới một số hình thức như thẻ trả trước NH hay Ví điện tử.
Theo số liệu thống kê, số lượng thẻ trả trước đang lưu hành trên toàn quốc đến cuối năm 2017 đạt khoảng 7,99 triệu thẻ, tăng 41,12% so với năm 2016 và có chiều hướng tiếp tục gia tăng. NHNN cũng đã cấp Giấy phép cho 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 24/27 các tổ chức trung gian thanh toán hiện đang cung ứng dịch vụ Ví điện tử.
Như vậy, tuy chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoàn thiện và đồng bộ về tiền điện tử, nhưng xét về các đặc tính và bản chất của tiền điện tử theo thông lệ quốc tế, thì thẻ trả trước do NH phát hành và Ví điện tử là hai hình thức biểu hiện của tiền điện tử, đã được điều chỉnh tại một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Bên cạnh hai hình thức biểu hiện của tiền điện tử nêu trên đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trên thực tế hiện nay có một lượng lớn giá trị được lưu trữ trên các điện thoại di động của các chủ thuê bao, trường hợp sử dụng giá trị này để thanh toán hàng hoá, dịch vụ (thanh toán đa mục đích), xét theo những đặc tính của tiền điện tử thì loại hình này cũng cần xem xét, quản lý như một hình thái biểu hiện của tiền điện tử.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thẻ cào điện thoại, thẻ trò chơi trực tuyến (không phải phương tiện thanh toán theo pháp luật hiện hành)... sử dụng để thanh toán đa mục đích hoặc có thể quy đổi thành tiền mặt, tiềm ẩn những rủi ro phức tạp và ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính. Bởi vậy cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các loại thẻ chỉ được thực hiện cho chính dịch vụ được cung cấp bởi nhà phát hành (thẻ thanh toán đơn mục đích), không để biến tướng thành thẻ đa mục đích sử dụng như một phương tiện thanh toán, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức phát hành và khách hàng.
Định nghĩa chuẩn xác về tiền điện tử
Như đã nêu, thuật ngữ tiền điện tử đã xuất hiện tại Việt Nam nhưng chưa có định nghĩa cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nên thường được hiểu lẫn sang khái niệm như tiền ảo, tiền kỹ thuật số, cũng như chưa hiểu đúng bản chất của tiền điện tử. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử hiện nay chưa kịp với sự thay đổi của thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Vì vậy, NHNN cho rằng cần có một định nghĩa chính thức, chuẩn xác quy định trong các văn bản pháp lý về tiền điện tử tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh là các NH và tổ chức không phải NH được phép tham gia cung ứng, phát hành tiền điện tử khi đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý.
Việc làm này chẳng những sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, mà còn giúp cho cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn các công cụ không được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp sử dụng thanh toán đa mục đích hoặc quy đổi ra tiền mặt.
Với vai trò cơ quan quản lý, NHNN cho rằng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền điện tử một cách toàn diện và thống nhất. Trong đó, cần thiết phải bổ sung tiền điện tử là một phương tiện thanh toán thuộc dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
Đồng thời, để làm cơ sở pháp lý và bảo đảm kiểm soát, ngăn chặn các rủi ro, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nâng cao vai trò hiệu lực hiệu quả giám sát của cơ quan nhà nước với tổ chức không phải NH cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, trong đó có hoạt động cung ứng tiền điện tử, cần thiết phải được bổ sung vào Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng phải xác định phạm vi và đối tượng cung ứng tiền điện tử để ban hành quy định quản lý phù hợp. Việc này sẽ giúp cơ quan quản lý đưa ra các quy định phù hợp về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ thanh toán này, nhất là đối với quy định về điều kiện cung ứng phát hành tiền điện tử của tổ chức không phải là NH.
NHNN cũng đề xuất cần quy định chặt chẽ các điều kiện đối với các tổ chức cung ứng phát hành tiền điện tử. Theo đó, các tổ chức cung ứng phát hành tiền điện tử cần phải đáp ứng các điều kiện về vốn, nhân sự, hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới, hệ thống CNTT; đáp ứng các quy định đảm bảo an toàn trong nhận biết khách hàng (KYC), phòng chống rửa tiền; cơ chế giám sát an toàn bảo mật...
Trong văn bản gửi tới lấy ý kiến các cơ quan liên quan về rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử, NHNN cũng đã đề xuất với Chính phủ giao cho phía NHNN nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền điện tử tại Việt Nam, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 101 và Nghị định 80. Trong đó làm rõ khái niệm tiền điện tử, hình thái biểu hiện và bản chất tiền điện tử; cũng như thẩm quyền cấp phép; điều kiện thực hiện phát hành tiền điện tử; quản trị rủi ro; bảo vệ quyền lợi và tài sản của khách hàng... Theo NHNN, lộ trình ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 và Nghị định 80 sẽ phụ thuộc vào tiến độ của việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư.