Ngày 2/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội thảo Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 dẫn tới tình hình tội phạm "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến phức tạp do dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ,... Vì vậy, NHNN đã chủ động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua các biện pháp giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất.
Tính đến 22/11/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 580.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ gần 3,81 triệu tỷ đồng. Miễn giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp so với trước dịch khoảng 7 triệu tỷ đồng.
Phân tích nguyên nhân tội phạm tín dụng đen hoành hành, đặc biệt tại các vùng nông thôn, bà Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh: Về phía khách hàng, việc thẩm định cho vay khó khăn, thời gian giải ngân kéo dài không đáp ứng được những nhu cầu sử dụng vốn cấp bách khiến khách hàng lựa chọn tìm tới tín dụng đen vì hình thức cho vay nhanh chóng, không cần chứng minh năng lực trả nợ, mục đích vay. Về phía các TCTD, do phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không thể giống các tổ chức tín dụng đen.
Đồng thuận với chia sẻ của Vụ Tín dụng NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hoạt động tín dụng đen ngày càng tinh vi, không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế mà còn dẫn tới băng hoại đạo đức, xúc phạm tới nhân phẩm con người khi các tổ chức tín dụng đen "ép" khách hàng thế chấp cả bằng hình ảnh cá nhân.
Một trong những điểm dễ nhận thấy là dân trí càng thấp thì hoạt động tín dụng đen lại càng dữ dội, nơi nào nhiều tệ nạn xã hội thì tín dụng đen hoạt động càng mạnh. Theo đó, để đẩy lùi tín dụng đen, Phó Thống đốc cho rằng cần những giải pháp căn cơ, lâu dài, tổng thể như nâng cao đời sống của người dân, không để tình trạng người dân rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn tới mức nhắm mắt đưa chân để vay tín dụng đen.
"Nhiều người biết hậu quả của vay tín dụng đen nhưng khi cùng quẫn vẫn nhắm mắt đưa chân. Vì vậy, làm tốt nâng cao đời sống người dân thì tín dụng đen sẽ giảm. Đi cùng với đó là một hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng nhằm trấn áp, xử lý tội phạm, quản lý trật tự xã hội, triển khai một hệ thống tài chính toàn diện rộng khắp", Phó Thống đốc nói.
Theo đó, Chương trình Tài chính toàn diện đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2020 và đang được triển khai thực hiện. Khi tài chính toàn diện được triển khai rộng khắp, người dân có nhu cầu vay vốn không nhất thiết cứ phải đến ngân hàng hay tín dụng đen mà có rất nhiều kênh khách nhau để tiếp cận vốn, để lựa chọn.
Về mục tiêu trước mắt, để đẩy lúi tín dụng đen, Phó Thống đốc nhấn mạnh 3 yêu cầu quan trọng. Một là cần làm người dân hiểu rõ tác hại, hậu quả của tín dụng đen. Điều này cần sự phối hợp của nhiều các cấp các ngành địa phương để tuyên truyền cho người dân hiểu.
Cùng với đó là tiếp tục trấn áp, răn đe những người bảo kê cho tín dụng đen, là những công ty tài chính, không phải thành lập theo Luật Các TCTD, lấy tên, vỏ bọc là công ty tài chính, công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính – dù được cấp phép chính thức theo Luật Doanh nghiệp nhưng hoạt động lại trái phép.
Giải pháp tiếp theo là tăng cường tín dụng chính thức để thay thế tín dụng đen. "Tín dụng cho những hoạt động không hợp pháp thì phải dẹp. Nhưng với nhu cầu vay chính thức của người dân phục vụ nhu cầu bức thiết như đám cưới, đám ma, đau ốm - là nhu cầu chính đáng thì cần được tiếp cận tín dụng chính thức. Ngân hàng phải coi đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi, là xu hướng phát triển của các TCTD trong tương lai", Phó Thống đốc nói.
Đại diện NHNN cho biết, đơn vị này xác định tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực rất được quan tâm, sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ và mở rộng trong thời gian tới, phù hợp với xu hướng phát triển thế giới. NHNN sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân đẩy mạnh cho vay tại chỗ, coi cho vay tiêu dùng có vai trò chủ đạo.
"Nhiều ngân hàng nước ngoài bày tỏ ý muốn phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. NHNN hết sức ủng hộ và tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân, đối tượng yếu thế thụ hưởng chính sách của nhà nước. Với TCTD dành nguồn lực hỗ trợ cho vay tiêu dùng sẽ có chính sách khuyến khích như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng hạn mức tín dụng, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch, thành lập công ty tài chính", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện NHNN cho biết cơ quan này đang phối hợp với Bộ Công an để khai thác dữ liệu dân cư, quản lý khách hàng qua căn cước công dân để phục vụ cho vay nhanh, những món nhỏ lẻ, không cần thế chấp, đẩy nhanh thời gian giải ngân.