Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho rằng việc giá cà phê xuống mức rất thấp và kéo dài hơn 2 năm qua, cộng thêm những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến ngành cà phê Việt Nam. Cà phê bán ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất, khiến người nông dân không thể trả được lãi vay ngân hàng. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực chế biến cà phê rang xay, hòa tan để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Từ đó, hỗ trợ nông dân vượt qua khủng hoảng giá cả.
Giải thích về giá cà phê xuống thấp, ông Gerardo Patacconi, Trưởng Ban Điều hành tổ chức cà phê thế giới (ICO), cho rằng nguyên nhân chủ yếu do các nước xuất khẩu cà phê đều tăng sản lượng đáng kể. Trong đó, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu cũng đã tăng sản lượng rất lớn, lên tới 31 triệu bao/năm. Tuy nhiên, sắp tới giá cà phê có thể phục hồi do nước xuất khẩu cà phê lớn nhất là Brazil chủ động giảm mạnh sản lượng theo chu kỳ 2 năm một lần.
Với Việt Nam, về lâu dài, ông Gerardo Patacconi khuyên các doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm chế biến để xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, cũng như tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn Brazil có đến 40% cà phê được tiêu thụ nội địa, đây cũng là xu hướng mà các nước sản xuất cà phê lớn của thế giới đang làm.
Các đại biểu khác cũng cho rằng để phát triển ngành cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm các giải pháp như: đẩy mạnh tái canh cà phê, hỗ trợ đầu tư tín dụng và cho vay chương trình tái canh cà phê cho người trồng trọt, liên kết chuỗi giá trị cà phê để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, chuyển đổi giống, mùa vụ để sản xuất ra loại cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2018, diện tích cà phê Việt Nam đạt 645.217 ha, năng suất 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, trong đó cà phê vối chiếm 96%. Cả nước có 5 vùng sản xuất cà phê chính là: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước, với 577.000 ha (chiếm 89%). Gần đây, Tây Nguyên nói riêng và các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam cũng đang đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, lượng mưa thấp, gây thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt cà phê.