Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018, hôm 28.12.
Phát huy hiệu quả sản xuất
Năm 2017, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hiệt hại to lớn do thiên tai (mưa bão, lũ lụt). Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp (dịch rầy nâu ở các tỉnh phía Nam, sâu bệnh trên hồ tiêu, cà phê, điều và cây ăn quả; dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản...). Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục là chủ đề nóng, gây bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NNPTNT, các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương. Do đó, toàn hệ thống đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ chế chính sách khuyến nông từng bước được đổi mới, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, qua đó tạo điều kiện cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) và các đơn vị tham gia hoạt động khuyến nông triển khai thuận lợi, hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT trao bằng công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia. ảnh: D.T.T
Đánh giá về kết quả đạt được của công tác khuyến nông, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG cho biết: “Trong năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Bộ NNPTNT giao. Các dự án, nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên do trung tâm chủ trì đã được triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đối với sản xuất, được các địa phương, đơn vị đánh giá cao. TTKNQG đã chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ để xử lý, điều hành các nhiệm vụ khuyến nông T.Ư phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Bộ như: Phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, qua đó tăng cường vai trò của khuyến nông đối với ngành và các địa phương”.
Năm 2017, TTKNQG cũng tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Trung tâm đã phối hợp với TTKN 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng khôi phục vườn điều bị sâu bệnh phá hại nặng, tổng quy mô là 230ha, trong đó Bình Phước 200ha và Lâm Đồng 3ha. Đến nay 2 tỉnh này đã tổ chức được 120/125 lớp tập huấn cho khoảng 6.000 hộ nắm bắt kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại điều, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc điều giai đoạn ra hoa đậu trái nhằm tăng cường ra hoa, đậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại mùa điều niên vụ 2017-2018.
TTKNQG đã hỗ trợ 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định khôi phục sản xuất sau thiệt hại do mưa bão gây úng ngập và thiệt hại do dịch bệnh lùn dọc đen trên lúa. Trong bối cảnh tương đối gấp về thời gian, mùa vụ, TTKNQG phối hợp TTKN 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định đã nhanh chóng triển khai thực hiện các mô hình sản xuất khoai tây giống ngay trong vụ đông xuân 2017-2018, với quy mô diện tích 36ha, trong đó Thái Bình 20ha và Nam Định 16ha. Mỗi tỉnh tổ chức triển khai 3 điểm tại các xã bị thiệt hại do thiên tai.
Đến nay tại 3 điểm đã tổ chức xuống giống (đầu tháng 12.2017), cây khoai tây nảy mầm tốt, sạch sâu bệnh, sinh trưởng phát triển nhanh, tỷ lệ nảy mầm đạt cao (trên 98%). Các điểm sản xuất dự kiến năng suất khoai tây giống đạt trên 15 tấn/ha. Các mô hình dự kiến sẽ cung cấp khoảng 550 tấn khoai tây giống cho sản xuất vụ đông 2018.
Hướng dẫn nông dân canh tác lúa thông minh
Thứ nhất là hệ thống hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư bài bản và từng bước hiện đại hoá. Công tác giống cây trồng, vật nuôi được đầu tư nghiên cứu, phát triển có chiều sâu. Công tác khuyến nông được đẩy mạnh nhằm chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ, kiến thức cho nông dân”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT về chương trình giảm lượng hạt giống gieo sạ tại các tỉnh ĐBSCL, ông Trần Văn Khởi – Giám đốc TTKNQG cho biết: “Chương trình được TTKN các tỉnh ĐBSCL ký hưởng ứng từ năm 2016, tiếp tục được duy trì thực hiện trong năm 2017 bằng hình thức lồng ghép nhiều chương trình, dự án, nhiệm vụ khuyến nông từ nguồn kinh phí của T.Ư và địa phương thông qua các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình, hội thảo tuyên truyền về mô hình giảm giống”.
Ngoài dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ do TTKNQG chủ trì được triển khai tại các tỉnh ĐBSCL và Nam Trung Bộ, trung tâm đã phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai tại 13 tỉnh ĐBSCL trong 2 vụ đông xuân 2016-2017 và hè thu 2017 với quy mô 65ha/130 nông dân (mỗi tỉnh 5ha (2 vụ)/10 nông dân) áp dụng gieo sạ thưa với lượng giống gieo sạ 80kg/ha. Hiệu quả của mô hình tăng cao hơn bình quân 3,5 triệu đồng/ha (tương ứng tăng 26%) nhờ giảm 50% lượng giống và các chi phí khác. /.