Thiếu lợn giống, giá tăng phi mã, dân muốn tái đàn lợn cũng khó
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, mặc dù giá lợn hơi xuất bán tại chuồng đã được các doanh nghiệp lớn điều chỉnh giảm xuống 70.000 đồng/kg, nhưng thực tế giá bán lợn hơi trên thị trường tự do vẫn cao, bình quân 80.000 đồng/kg, khiến giá thịt lợn thương phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn chưa thể giảm xuống, dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm một trang trại nuôi lợn tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, tại xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: K.L
"Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng năm nay TTKNQG vẫn tiếp tục thực hiện mô hình chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, lợn bản địa Mường Khương, lợn Mán, lợn Táp Lá…; xây dựng chuỗi sản xuất thịt lợn gắn với doanh nghiệp… Trong các mô hình đó, điểm mấu chốt vẫn là phải đảm bảo an toàn sinh học; còn đối với chăn nuôi gia cầm, phải đạt quy trình VietGAP". Bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia |
Nguyên nhân là do trong chuỗi sản phẩm thịt lợn hiện có nhiều khâu tham gia, trong đó nhóm giết mổ nhỏ lẻ không thu gom được lợn hơi tại doanh nghiệp; cơ sở giết mổ lớn thực hiện theo chuỗi còn ít, sản phẩm bán ra chợ và siêu thị vẫn phải qua nhiều khâu, khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải chịu nhiều chi phí. Song nguyên nhân chính, theo Bộ NNPTNT vẫn là do nguồn cung hạn chế.
Để giảm giá thịt lợn, một trong những giải pháp trọng tâm đang được Bộ NNPTNT chỉ đạo thực hiện đó là đẩy mạnh tái đàn, tuy nhiên việc này cũng không dễ dàng gì do một số địa phương chưa công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch này chưa có vaccine phòng bệnh.
Vì thế nếu có tái đàn, người dân cũng chỉ dám nuôi “rón rén”, khoảng 10-30% quy mô chuồng trại.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG, thực tế người chăn nuôi đang rất muốn tái đàn lợn nhưng không mua được con giống. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại khoảng 25% đàn nái cả nước. Các doanh nghiệp lớn thì tăng quy mô nuôi lợn thương phẩm nên hạn chế bán lợn giống ra ngoài, khiến giá lợn giống tăng rất cao, trung bình từ 3,2 - 3,4 triệu đồng/con, nông dân gần như không tiếp cận được.
Hiện, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và doanh nghiệp tích cực nhập khẩu lợn giống ông bà, cụ kị để bù đắp đàn nái trong nước, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhập khẩu cả lợn ông bà và thịt lợn thương phẩm cũng đang gặp khó khăn, dự kiến với tình hình này, phải sau 1 năm nguồn lợn giống thương phẩm mới đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, lúc đó tái đàn mới trở lại bình thường.
Do đó trước mắt, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi chọn một số tỉnh thực hiện tốt mô hình an toàn dịch bệnh, có cơ sở hạ tầng chăn nuôi phát triển để hỗ trợ bà con tái đàn hiệu quả.
Bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG cùng đoàn công tác thăm mô hình chăn nuôi gà ri của HTX gà Lạc Thuỷ (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình). Ảnh: Minh Huệ
“Về phía TTKNQG, chúng tôi đang đẩy nhanh triển khai công tác tuyên truyền theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, trong đó tăng cường truyền thông các mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả, an toàn, tập trung vào các nhóm trang trại nhỏ và vừa, trước mắt triển khai ở tỉnh Đồng Nai, Nam Định. Tiếp tục phổ biến kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học giúp nông dân tái đàn nhưng không “tái” dịch bệnh” - bà Hạnh nói.
Triển khai 19 dự án chăn nuôi an toàn sinh học
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, bên cạnh việc hướng dẫn nông dân tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, TTKNQG sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông về dinh dưỡng một số sản phẩm chăn nuôi khác như tôm, cá, gà bò, nhằm chuyển đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm. Tham khảo một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai… để có chính sách đặc thù, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân trong công tác tái đàn lợn cũng như tiêu thụ sản phẩm gia cầm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Hạnh cho biết TTKNQG đã phải dừng toàn bộ các hội thảo, lớp tập huấn, dạy nghề, hội chợ, diễn đàn @ nông nghiệp, các mô hình trình diễn cũng phải thu gọn…
Do đó trong quý II và quý III/2020, TTKNQG sẽ đẩy mạnh phối hợp với báo NTNN/Dân Việt cũng như một số cơ quan báo, đài khác để giới thiệu các nội dung liên quan đến sản xuất gia cầm nhằm giảm áp lực lên ngành sản xuất thịt lợn; tuyên truyền giá trị dinh dưỡng của gà, vịt, trứng nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm gia cầm; định hướng, tư vấn giúp người chăn nuôi xác định mục tiêu sản phẩm sẽ bán cho ai, bán ở đâu…
Bà Hạ Thuý Hạnh đánh giá: TTKNQG đã vào cuộc rất nhanh trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT trong việc tập trung tái đàn lợn; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển đàn vật nuôi bản địa; áp dụng công nghệ blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Mới đây, Bộ NNPTNT cũng đã giao TTKNQG xây dựng dự án xác định vật nuôi phù hợp nhất cho từng vùng sinh thái gắn với biến đổi khí hậu đến năm 2030; tiếp tục triển khai 19 dự án khuyến nông trung ương về chăn nuôi an toàn sinh học giai đoạn 2020 - 2022, quy mô mỗi dự án từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.