Theo dữ liệu Stoxplus cung cấp, trong nửa đầu năm 2018, lĩnh vực ngân hàng đã thu về được 35.524,84 tỷ đồng, tương đương với 1,53 tỷ USD lợi nhuận ròng, và bằng khoảng 64% so với cả năm ngoái. Nhờ sự cải thiện về hiệu quả tài chính, tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh và phát triển hợp tác Bancassurance,…cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn trở lại. Đến tháng 9/2018, cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng 22% so với hồi đầu năm.
Tháng 8/2018, hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ B1 lên Ba3 với triển vọng từ ổn định sang tích cực, trước đó tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ "BB-" lên "BB" với triển vọng "ổn định". Song song với đó, 14 ngân hàng cũng đã được Moody’s nâng xếp hạng tín dụng. "Nhìn chung, các nhà băng đã có sự trở lại mạnh mẽ hơn trong năm 2017 và đang hướng đến một phần thưởng xứng đáng trong 2018", StoxPlus nhận định.
Tại một buổi hội thảo mới tổ chức gần gây, StoxPlus cho biết, cùng với cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường với đóng góp tới 40% vào tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và chiếm 47% giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tính từ đầu năm 2018 đến nay. Hình thành quan điểm và chiến lược đầu tư trong thời gian tới cũng như các năm tiếp theo sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc hai ngành này sẽ có xu hướng ra sao.
Trong 5 năm qua từ 2014 đến 2018, cổ phiếu hai ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VNIndex chỉ dừng ở mức hai con số, ngành ngân hàng tăng 154,1%; cổ phiếu ngành bất động sản tăng 143,3% còn VNIndex tăng 96,5%.
Trong cùng kỳ, EPS của ngành ngân hàng có giảm nhẹ năm 2015 nhưng tăng trưởng bền vững cả 3 năm 2015, 2016, 2017 và được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018.
Thứ nhất, nhìn lại 3 năm qua thì ngành ngân hàng có 3 câu chuyện chính tạo sự tăng trưởng gia cổ phiếu ngân hàng. Thứ nhất, câu chuyện đóng góp của cho vay tiêu dùng và cụ thể là VPBank và HDBank. Hai là việc ghi nhận nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm của các ngân hàng, điển hình là Techcombank, MB và Sacombank. Và thứ ba, gần đây nhất là câu chuyện tăng trưởng mạnh của dịch vụ ngân hàng bán lẻ/ cho vay cá nhân.
Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong thời gian tới. Dĩ nhiên, chất lượng lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào danh mục sản phẩm mà ngân hàng đó có thế mạnh và tập trung, ví dụ VIB chủ yếu mạnh về cho vay ô tô trong khi hầu hết các ngân hàng khác thì khá đa dạng và cho vay mua nhà cũng là một cấu phần lớn.
StoxPlus dự báo EPS ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt dù các ngân hàng khó có thể tăng trưởng tín dụng đạt trần 17%. Số liệu FiinPro cho thấy, các nhà phân tích có cái nhìn lạc quan nhất, dự báo EPS của ngành ngân hàng sẽ tăng 42,1% vào cuối năm 2018, trong khi ban điều hành nhà băng thận trọng hơn với mức dự báo 35,7%, còn theo tính toán của các chuyên gia của StoxPlus thì mức tăng trưởng sẽ đạt 29,9%.
Mức dự báo này dựa trên giả định tốc độ tăng trưởng tín dụng hai quý cuối năm bằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm trước và tăng trưởng tín dụng 2018 không vượt quá 14%; tốc độ tăng trưởng huy động hai quý cuối năm bằng với tốc độ tăng trưởng huy động cùng kỳ năm trước; lãi suất cho vay trung bình và lãi suất huy động trung bình bằng 4 quý gần nhất, tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ bằng 4 lần quý gần nhất (quý 2/2018) và tỉ lệ chi phí trên thu nhập nửa cuối năm 2018 sẽ bằng cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế cho vay doanh nghiệp hầu như không tăng trưởng. Tín dụng chủ yếu bởi cho vay cá nhân. Riêng tín dụng tiêu dùng đã giảm tốc từ CARG từ 43% trong 5 năm qua về 6,67% trong nửa đầu năm 2018.
Giữa những tín hiệu lạc quan, vẫn còn đó những cảnh báo. StoxPlus cho rằng tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn còn nhanh gây áp lực lên tỷ lệ an toàn vốn. Trong năm 2017, chỉ có 6 trong 14 ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm 613 triệu USD (chỉ tương đương với 41% kế hoạch). Theo Moody’s, với mức tăng trưởng tín dụng hiện nay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7-9 tỷ USD để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 ở mức 11% vào năm 2018 vá 2019. Không nhận được vốn đầu tư bên ngoài, tỷ lệ vốn cấp 1 có thể giảm xuống còn 8% đối với các NHTMCP và 6,1% đối với các NHTMCP có vốn chi phối của Nhà nước cuối năm 2017.