Nhiều động lực phát triển
Theo TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dù phải đối mặt với dịch bệnh, hiện Việt Nam vẫn rất thuận lợi trong mọi mặt.
“Việc thực hiện chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Bất động sản sẽ rất thuận lợi bởi năm 2021 là năm đầu của kế hoạch với hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy lớn đối với thị trường này”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, những yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản cuối năm 2021 và năm 2022 chính là việc nút thắt trong chính sách đang dần được gỡ bỏ; sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; dòng vốn FDI và lãi suất giảm.
“Đây sẽ là những động lực quan trọng để đưa bất động sản chuyển động nhanh, thành điểm sáng của năm 2022, nhất là khi có nhiều chính sách tích cực để giải ngân cho các dự án cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh”, ông Chung nhận định.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tại Việt Nam chưa khi nào các thông tin quy hoạch lại được tung ra ồ ạt với quy mô rộng như hiện nay. Từ hệ thống cao tốc miền Tây đến quy hoạch sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, nâng cấp các đô thị… Những yếu tố này đang tiếp sức thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc đất nền.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; đồng thời, thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Bộ Xây dựng sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; xây dựng kế hoạch và đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, chính sách tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình sẽ được tập trung rà soát, xây dựng để khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Giá nhà tiếp tục tăng cao
Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
"Dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn," ông Lực cho hay.
Về xu hướng giá, ông Lực nhận định, giá bất động sản sẽ chững lại một thời gian sau giai đoạn tăng tương đối nhanh. Giá nhà tại Hà Nội năm vừa qua đâu đó đã tăng 5 - 7% và TP HCM tăng khoảng 7 - 9%.
"Trong nửa đầu năm sau, kỳ vọng mức giá này có thể chững lại nhưng sau đó sẽ không có chuyện giá nhà đi xuống như một số nước trên thế giới mà có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên. Nhưng sẽ không tăng quá nhiều", vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, trong thời gian tới, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ bán và nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội và TP HCM.
Cụ thể, giá căn hộ sẽ tăng khoảng 3 – 7% tùy từng phân khúc trong năm 2022. Riêng phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng trưởng khoảng 5 – 7%. Còn phân khúc bình dân và trung cấp, mức giá có thể tăng khoảng 3 – 5%.
Vị chuyên gia này dự báo, thị trường căn hộ năm sau sẽ đón nhận số lượng dự án gấp đôi so với 9 tháng năm 2021. Tương tự với thị trường nhà ở gắn liền với đất, nguồn cung dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 20 – 30%.
"Tuy nhiên, trong hai năm tới, thị trường sẽ tiếp tục có sự lệch pha cung cầu. Bên cạnh đó, những chi phí liên quan đến đất, nhân công, xây dựng,... sẽ không giảm đi mà sẽ tiếp tục tăng. Do đó, giá bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng tăng", bà Dung nhận định.