Thời tiết sang thu, không khí se lạnh là thời điểm người trồng niễng ở Nam Định bắt đầu thu hoạch. Được biết những năm gần đây các huyện như Trực Ninh, Nam Trực - Nam Định là 2 huyện có diện tích trồng niễng nhiều nhất, tổng cộng khoảng 7ha. Thị trường tiêu thụ củ niễng khá tốt lại được giá nên củ niễng trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Niễng là một loại cây mọc ở các khu vực đầm nước, góc ao, ruộng và chỉ thu hoạch rộ vào tầm cuối tháng 10, đầu tháng 11, thời gian thu hoạch chỉ trong vòng 1 tháng. Tết xong, khi tiết trời ấm dần, vào tháng 2 âm lịch, người dân lại xuống ruộng cấy niễng.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ trồng niễng, chọn giống niễng là khâu vô cùng quan trọng. Niễng đến thời điểm thu hoạch, củ to, nhiều nhánh, lá xanh tươi được người dân dùng que tre đánh dấu để lại làm giống cho vụ sau.
Trồng niễng, người dân phải chịu khó, mất công chăm sóc. Sau khi trồng 2 tháng đầu là giai đoạn mất nhiều công chăm sóc và chi phí vật tư nhất. Người trồng niễng phải liên tục làm cỏ. Khi cây niễng sinh trưởng khoảng 5 tháng thì mới bớt cỏ mọc. Đặc biệt, trồng niễng tuyệt nhiên không dùng bất cứ loại thuốc diệt cỏ nào vì cây cũng không phù hợp với thuốc hoá học.
Sau 8 tháng, cây niễng bắt đầu cho thu hoạch. Vào chính vụ, ngày nào người trồng cũng được thu hoạch niễng. Chậm một ngày, niễng già đi nhanh chóng, vỏ xanh, xốp, ăn vào không thấy vị ngọt, mất ngon.
Củ niễng đang trở thành món ăn đặc sản được nhiều chị em nội trợ Hà thành tìm mua (Ảnh Tùng Anh).
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Ba, xã Nam trực – huyện Trực Ninh chia sẻ, mấy năm gần đây phong trào trồng niễng được các hộ dân trong huyện hưởng ứng rất nhiều. Một phần do có thị trường tiêu thụ và là cây dễ trồng, lại không mất quá nhiều công chăm sóc, cho phí vật tư ít cho nên mấy năm nay diện tích đất ruộng của gia đình anh chuyển sang trồng cây niễng hết.
Cây niễng cho thu hoạch liên tục trong khoảng hơn 1 tháng. Thời gian này, ngày nào anh cùng người thân cũng đều có mặt tại ruộng. Niễng thu hoạch đến đâu, đều có người mua buôn tới đó.
Sau khi bẻ củ, người trồng chuyển niễng về nhà cắt lọc, phân theo các loại to, nhỏ khác nhau rồi bó thành bó. Niễng được bó 10 củ, đều chằn chặn, xếp gọn gàng. Mỗi bó niễng bán ra thị trường với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/bó.
Chị Nguyệt, một hộ dân trồng niễng lâu năm cho biết, gia đình chị trồng gần 4 sào niễng đang cho thu hoạch. Vừa cẩn thận cắt lọc từng nhánh niễng, chị vừa hồ hởi chia sẻ: Cây niễng năm nay ở Trực Ninh được mùa, thời tiết mưa nhiều nhưng không ảnh hưởng bởi cây chịu nước tốt. Thị trường và giá cả lại ổn định, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Cũng theo chị, cây niễng không phát triển tốt ở những chân ruộng cao thiếu nước. Bởi vậy, đất ruộng ở huyện Trực Ninh rất thuận lợi cho người dân trồng niễng. Mỗi vụ niễng thu hoạch trừ chi phí mỗi sào niễng cho thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng.
Chị Hoa, thương lái chuyên cất buôn củ niễng tại vùng Nam Định để bán ở Hà Nội cho biết, mấy năm gần đây củ niễng trở thành món ăn đặc sản và được nhiều người tiêu dùng biết đến, cứ cuối tháng 9 sang đầu tháng 10 chị qua Nam Định đặt cọc tiền trước cho các chủ trồng niễng khi đến mùa thu hoạch họ giữ hàng cho mình. Năm nay giá niễng đầu mùa đắt hơn so với mọi năm.
Giá niễng thì phụ thuộc vào củ to hay nhỏ và phụ thuộc vào đầu vụ, cuối vụ. Theo đó, niễng củ nhỏ giá chỉ khoảng 25.000 đồng/bó, còn niễng củ to giá thường 35.000 đồng/bó, cuối mùa giá có thể tăng lên tới 40.000 đồng/bó. Chị cho biết thêm, mỗi ngày trung bình cả xuất buôn và bán lẻ chị bán khoảng 500 bó niễng (tức khoảng 5.000 củ niễng).