Nhắc tới Hacosco, có lẽ nhiều người chưa nghe nói tới thương hiệu này bao giờ. Đây là công ty chuyên chế tạo hộp kính VR (thực tế ảo) của Nhật Bản có thu nhập hàng năm lên tới 300 triệu JPY (~ 60 tỷ VND). Công ty này chỉ có vỏn vẹn 10 nhân viên và được điều hành bởi cặp vợ chồng Naotaka Fujii, Keiko Otara.
Cặp vợ chồng Naotaka Fujii và Keiko Otara
Naotaka là một tiến sĩ y học, từng làm việc trong trung tâm nghiên cứu khoa học thần kinh. Tại đây, ông thường xuyên sử dụng các công nghệ thực tế ảo để phục vụ nghiên cứu. Khi ấy, các thiết bị VR đội đầu có giá rất đắt, việc lắp ráp lại vô cùng phức tạp, hầu hết người dùng thông thường đều khó có cơ hội trải nghiệm. Vì vậy, Naotaka đã quyết định thành lập công ty chuyên sản xuất hộp kính VR giản tiện, đưa sản phẩm phổ cập hơn tới mọi người. Trong quá trình khởi nghiệp này, chị Keiko đã giúp chồng rất nhiều trong việc vận hành thị trường. Trước đó, chị từng phụ trách kinh doanh khu vực Nhật Bản cho các hãng Paypal, eBay, Tesla Morots, Amazon...
Công ty ra đời, lấy tên là Hacosco. Trong đó “Haco” nghĩa là “chiếc hộp” trong tiếng Nhật, còn “sco” trích từ “scope” trong tiếng Anh. Sản phẩm đầu tiên của cặp đôi là hộp giấy bìa có gắn mắt kính (kính lúp), người dùng chỉ việc đặt điện thoại vào hộp là có thể đắm chìm trong thế giới thực tế ảo.
Các mẫu kính VR thiết kế theo yêu cầu của Hacosco
Năm 2016, Hacosco nhận được 200 triệu JPY (40 tỷ VND) vốn đầu tư của KDDI – nhà điều hành viễn thông của Nhật. Đồng thời, công ty đầu tư Ai Mercury Capital cũng tham gia góp cổ phần. Hai năm vừa qua, thu nhập hàng năm của Hacosco đã tăng trưởng gấp bội.
Khác với các xưởng sản xuất hàng loạt số lượng lớn, hướng kinh doanh của Hacosco là chế tạo hộp kính VR theo yêu cầu, bao gồm cả phần cứng và nội dung đi kèm. Chẳng hạn như hộp kính VR “ăn theo” bộ phim Doctor-X, hộp kính in logo các thương hiệu, nhãn hàng. Trong đó, mẫu kính VR đi kèm DVD ca nhạc là mẫu được nhiều khách hàng yêu thích nhất. Người mua kính VR có thể dễ dàng tải về và thưởng thức các video cùng chủ đề thông qua mã PIN. Thông thường, các video quảng cáo sẽ được tải về không mất phí, chẳng hạn như của hãng Cocacola.
Một video giá 80.000 JPY (16 triệu VND) trên Hacosco Store
Về vấn đề giá cả, Hacosco khá minh bạch khi đưa ra các mức phí rõ ràng, cụ thể trên trang chủ. Giá hộp kính dao động từ 330 – 770 JPY/hộp tùy vào số lượng (500 – 10.000). Ngoài chế tạo kính VR theo yêu cầu, Hacosco còn mở ứng dụng Hacosco Store chuyên cung cấp các video thực tế ảo. Trong đó bao gồm video quảng cáo từ khách hàng doanh nghiệp và cả những nội dung do người dùng tự quay và đăng tải. Như vậy, Hacosco Store trở thành cầu nối giữa hai bên. Đôi lúc, các doanh nghiệp vì muốn giảm thiểu kinh phí còn trực tiếp mua và sử dụng video do người dùng tự quay, chẳng hạn như các video ngoại cảnh ở nước ngoài.
Sau 2 năm, giờ đây kho dữ liệu của Hacosco Store đã có tới 20.000 nội dung. Ngoài những nội dung miễn phí, một số video thực tế ảo khác sẽ có giá từ vài trăm tới vài chục nghìn yên Nhật. Những video có chất lượng cao có giá từ 60.000 – 80.000 JPY (12 – 16 triệu VND). Người dùng phải trả phí 10.000 JPY/tháng hoặc 100.000 JPY/năm. Mỗi lần lấy mã PIN sẽ mất phí 50 JPY. Hacosco cũng cung cấp thêm các dịch vụ khác, như sửa đổi video với mức giá 45.000 JPY (9 triệu VND), quản lý video với mức giá 40.000 JPY (8 triệu VND). Ngoài ra, Hacosco còn khai thác lĩnh vực mới: live stream VR (quay video trực tuyến thực tế ảo). Hãng insta360 của Trung Quốc là một trong các thương hiệu đã hợp tác thành công với Hacosco trong mảng này.