Dù vất vả và nguy hiểm, những người thợ thổi thủy tinh (Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) vẫn gắn bó với công việc vì mưu sinh và tình yêu với nghề truyền thống quê hương.
Giữ nghề truyền thống
Trong một căn phòng nhỏ, ông Hồ Văn Phong (xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang miệt mài làm việc bên ngọn lửa nóng rực. Mắt nhìn chăm chú, đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt rồi dùng miệng thổi, ông đã tạo hình xong chiếc vỏ đèn dầu bằng thủy tinh khi chưa đầy 10 giây.
Gần 30 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh, người đàn ông 51 tuổi này chia sẻ: "Nghề này, trước đây bố tôi làm từ những năm 1965 rồi truyền lại cho tôi. Hàng chục năm qua, ngày nào trong căn phòng nhỏ này cũng đỏ lửa".
Ông Hồ Văn Phong bật mí, để làm ra những sản phẩm thủy tinh như ống đựng thuốc, vỏ bóng đèn hay những vật dụng bằng thủy tinh khác, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Thổi, kéo, ép, cuốn…
Trong các bước tạo hình thủy tinh, kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải điều tiết hơi thở sao cho nhịp nhàng, phù hợp với từng loại sản phẩm. Ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề còn phải có thủ thuật giữ hơi thở để thổi vừa vặn với hình mong muốn.
"Trước đây, chưa có ống phôi thủy tinh bán sẵn, người làm nghề chúng tôi phải dậy từ 3h, rửa thủy tinh vỡ, hỏng rồi đun ở nhiệt độ cao bằng than đá cho đến khi thủy tinh nóng chảy rồi mới thổi theo nhiều hình thù khác nhau" - ông Hồ Văn Phong chia sẻ.
Giờ đây, có nhiều máy móc hỗ trợ công đoạn làm đồ thủy tinh nhưng ông Hồ Văn Phong vẫn giữ nghề thổi truyền thống. Ông cho rằng, máy móc chỉ làm được những sản phẩm đơn giản, còn sản phẩm tinh xảo thì không thể thiếu được bàn tay của con người.
Ngoài sự khéo léo để điều tiết hơi thở, người làm nghề cần có một sức khỏe tốt để chịu được sức nóng của ngọn lửa luôn đỏ rực trong suốt quá trình làm việc.
"Trong quá trình làm, không thể bật quạt hay mở cửa sổ. Vì gió có thể làm lệch ngọn lửa khiến thủy tinh mềm không đều, sản phẩm sẽ chỗ dày, chỗ mỏng. Không ít lần sơ suất hít ngược lại, tôi bị bỏng phồng cả môi, nhưng làm mãi rồi cũng thành quen" - ông Hồ Văn Phong tâm sự.
Trung bình mỗi ngày ông có thể làm ra hàng trăm sản phẩm khác nhau, trừ các loại chi phí, ông có thể thu lãi 400.000-500.000 đồng/ngày.
Năng suất gấp 20 lần
Là một trong những người trẻ tuổi theo nghề, anh Tạ Trung Đức 26 tuổi, chủ một cơ sở thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất, cho biết: "Tôi nhận được nhiều đơn hàng từ các công ty sản xuất thuốc. Trước đây, làm thủ công không đủ hàng cung cấp ra thị trường nên tôi đã đầu tư máy móc hết khoảng gần 300 triệu đồng".
Nhờ chiếc máy thổi thủy tinh, năng suất làm việc đã tăng gấp 20 lần so với một người lao động thủ công. Sản phẩm mà anh Tạ Trung Đức sản xuất chủ yếu là ống thuốc. Mỗi ngày, anh xuất ra thị trường khoảng 50.000 sản phẩm. Sau khi trừ các chi phí ban đầu, anh có thể thu lãi hơn 1 triệu đồng/ngày.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Vũ Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội), cho biết: "Trước đây, trên địa bàn xã có đến hàng trăm hộ làm nghề thổi thủy tinh. Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người bỏ vì nghề này rất vất vả. Trên địa bàn xã hiện nay chỉ còn khoảng hơn chục hộ gia đình giữ nghề".
Bà Vũ Thị Hồng cho rằng, máy móc đã dần thay thế công việc của nhiều người lao động. Những hộ gia đình còn giữ nghề đa phần đã chuyển qua sản xuất bán công nghiệp và có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Theo anh Tạ Trung Đức, nhiệt độ để làm mềm thủy tinh được cài đặt ở máy là khoảng hơn 1.000 độ C.
Hơn nữa, người thợ phải làm việc luôn tay để đưa thủy tinh vào máy. Đứng cạnh những ngọn lửa nóng rực để làm việc, không phải ai cũng có thể trụ được.
"Làm nghề này, tay phải nhanh không ngừng nghỉ, lúc mới làm nghề có những hôm mắt tôi mờ đi không phân biệt được màu sắc vì nóng" - anh Tạ Trung Đức chia sẻ.
Để kịp hàng trả cho khách, nhiều hôm anh Tạ Trung Đức phải làm việc thâu đêm. Anh cho rằng, dù công việc vất vả, phải làm việc với nhịp độ và nhiệt độ cao nhưng đem lại cho người làm nghề mức thu nhập khá.
Anh Tạ Trung Đức tâm sự: "Nhà tôi ba đời làm nghề thổi thủy tinh. Để có thể bám trụ với nghề, người thợ phải có sức chịu đựng vô cùng lớn. Những ngày mùa đông còn đỡ, vào mùa hè nếu đứng máy quá lâu người thợ có thể bị phồng rộp da...".
Một số hình ảnh về nghề thổi thủy tinh ở Thống Nhất, Thường Tín:
(Theo Dân Trí)