Không chủ quan dù số ca nhiễm giảm
New Zealand đã đạt được một điều mà rất nhiều các quốc gia khác hằng mong đợi: số ca mắc Covid-19 liên tục giảm trong nhiều ngày liên tiếp.
Theo thông báo từ Bộ Y tế New Zealand, người thứ hai thiệt mạng vì Covid-19 tại nước này là một phụ nữ 90 tuổi, sống tại thành phố Christchurch.
Ngày 10/4, nước này chỉ ghi nhận 44 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 1.283 trường hợp, trong đó 40% là ca nhiễm từ nguồn nhập cảnh, và chỉ có 2% lây nhiễm từ cộng đồng. Trước đó, hôm 7/4, số ca hồi phục trong ngày là 65, thậm chí đã vượt số ca mắc mới là 54.
New Zealand, một quốc đảo nhỏ với dân số chỉ dưới 5 triệu người, đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch 1 tháng phong tỏa với mục tiêu không chỉ kiểm soát virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) mà còn loại bỏ nó.
Và cho đến nay, hướng đi này có lẽ đã mang lại thành công - CNN đánh giá.
Ở một vài quốc gia, những dấu hiệu tích cực có thể là lý do để chính phủ dỡ lệnh phong tỏa. Ví dụ ở Đan Mạch - nơi hiện có 5.635 trường hợp dương tính và 237 người tử vong tính đến 10/4, chính phủ tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng biện pháp phong tỏa vào tuần tới nếu các chỉ số vẫn ổn định.
Thay vào đó, bà Ardern gần đây cho biết tiếp tục thắt chặt lệnh hạn chế biên giới, đồng nghĩa tất cả những người muốn vào nước này sẽ cần cách ly 2 tuần trong một cơ sở được chỉ định, thay vì tự cách ly tại nhà. Lệnh này cũng chỉ được áp dụng với công dân New Zealand, bởi người nước ngoài đã bị cấm nhập cảnh từ hôm 20/3.
Bà Ardern phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến vào thứ Năm, 9/4: "Đã đi được nửa chặng đường, tôi không ngần ngại nói rằng những cố gắng mà người New Zealand chúng ta đã làm trong 2 tuần qua thực sự rất lớn lao. Các bạn đã lựa chọn đoàn kết để chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau. Và các bạn đã làm được điều đó. Chính các bạn đã đang cứu người. Nhưng như tôi đã nói, đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi."
(Ảnh: CNN)
Lợi thế tự nhiên của New Zealand
Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, New Zealand có hai lợi thế chính: vị trí địa lý và thời gian.
Vào ngày 28/2, New Zealand đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, sau hơn một tháng khi Mỹ xác nhận trường hợp đầu tiên. Đến ngày 29/3, nước này đã xác nhận ca tử vong đầu tiên.
Giáo sư Michael Baker từ Khoa Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Otago, người đã đưa ra lời khuyên hành động cho chính phủ, nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có thêm một chút thời gian để suy nghĩ, và chúng ta cũng có thể học tập từ kinh nghiệm của Trung Quốc."
Nhà vi sinh học Siouxsie Wiles, từ Đại học Auckland, cho biết New Zealand cũng có một lợi thế là một hòn đảo cách xa các quốc gia khác và cũng có ít những chuyến bay hơn.
Đó cũng chính là những điều mà thủ tướng Ardern chỉ ra. Bà cho rằng tính chất tự nhiên khi là một đảo quốc chính là "lợi thế khác biệt để New Zealand có thể loại bỏ virus".
Bài học của New Zealand
Nhưng điều thực sự đáng học tập từ New Zealand là sự kết hợp của khoa học tiên tiến và sự lãnh đạo tốt, ông Baker nhận định. Đó là xét nghiệm trên diện rộng.
Đến nay New Zealand đã thực hiện 51.165 xét nghiệm. Vào đầu tuần này, Vương quốc Anh - có dân số gấp khoảng 13 lần New Zealand - mới báo cáo đã thực hiện xét nghiệm trên 208.837 người.
Baker cho biết ông đã "thực sự thất vọng" khi các quốc gia như Mỹ và Anh - những nơi đứng đầu thế giới về khoa học lại không hành động tốt hơn một số các quốc gia như New Zealand -nơi có nguồn lực tương đối hạn chế.
"Chúng tôi cũng chỉ biết những điều mà nước bạn biết – cả thế giới đều nhìn thấy như vậy. Nó giống như ta chứng kiến một cơn sóng thần đang ập đến ở chế độ slow-motion, bản chất vấn đề không hề thay đổi, và đặc điểm của con virus này cũng đang hoàn toàn giữ nguyên," ông Baker nói.
Bà Ardern thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng tính mạng con người mới là quan trọng, chứ không phải chỉ là kinh tế, và bà có những phản ứng nhanh trước hiểm họa - ông Wiles nói.
Vào ngày 14/3, tuyên bố của New Zealand rằng bất cứ ai nhập cảnh cũng phải cách ly 2 tuần là một trong số những hành động hạn chế biên giới quyết liệt nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Nước này lúc đó có 6 trường hợp dương tính.
Ngày 19/3, bà Ardern lại tiếp tục đưa ra lệnh cấm nhập cảnh với các công dân nước ngoài, lúc này trong nước có 28 ca dương tính. Vào 23/3, bà Ardern ra lệnh phong tỏa toàn quốc, nước này có 102 ca dương tính và không có ca tử vong.
"Ở New Zealand chúng tôi không có nhiều giường bệnh hồi sức cấp cứu như các quốc gia khác. Đó là lý do tại sao (bà Ardern) lại có những hành động nhanh chóng và quyết liệt như vậy," Wiles nói thêm.
Một con phố vắng lặng ở thành phố Wellington, New Zealand, trong khi đất nước phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19 (Ảnh: Dave Lintott/REX/Shutterstock)
Lý do New Zealand có số ca tử vong thấp
Một lợi thế khác mà New Zealand đang có là những người dương tính với Covid-19 có số tuổi khá trẻ. Những người từ 20-29 tuổi chỉ chiếm tới ít hơn 25% các ca xác nhận dương tính ở New Zealand, trong khi những người ở độ tuổi 30-39 chiếm tới 15%.
Trong khi đó, báo cáo do Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho thấy, phân tích 2.500 trường hợp dương tính tại nước này có độ tuổi được xác định, 29% là những người từ 20-44 tuổi.
Các quốc gia trên thế giới cũng có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn nếu độ tuổi những người nhiễm bệnh cao.
Lý do tại sao những người trẻ New Zealand có nguy cơ nhiễm bệnh lớn hơn là do họ đi du lịch. Chỉ còn hơn 40% các trường hợp ở New Zealand là có liên hệ với du lịch nước ngoài. Rất nhiều những bạn trẻ New Zealand đã vội vã quay lại quê hương sau khi Ardern tuyên bố thắt chặt biên giới.
Baker nói rằng đó là "hiệu quả của những người đi du lịch lành mạnh".
"Những người đi du lịch thường có sức khỏe tốt hơn hầu hết mọi người. Những người có bệnh mãn tính thường có xu hướng đi du lịch ít hơn. Chúng tôi biết rằng ở những quốc gia có dân số già, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. Và may mắn cho New Zealand là những ca nhiễm bệnh nằm ở nhóm người trẻ và cơ thể họ, có thể nói là tương đối khỏe mạnh."
New Zealand có thành công dập tắt Covid-19?
Có lý do để New Zealand có thể lạc quan (nhưng vẫn cần thận trọng) rằng những kế hoạch của mình đang có hiệu quả, nhưng cả Wiles và Baker đều cho rằng vẫn còn là quá sớm để ăn mừng.
Thủ tướng Ardern cho biết bà không có kế hoạch gỡ bỏ sớm hơn lệnh phong tỏa và nếu cần còn có thể ra hạn thêm.
"Nếu chúng ta quá vội tiến lên, chúng ta sẽ lùi lại," bà chia sẻ.
Kế hoạch A vẫn là “dập tắt” virus nhưng vẫn cần chuẩn bị kế hoạch B - ông Baker nói. Kế hoạch này liên quan đến việc chuẩn bị một hệ thống y tế cho một số lượng lớn những ca bệnh nặng.
Và kể cả khi kế hoạch A có tác dụng, New Zealand vẫn phải duy trì trạng thái là một “đảo quốc” thêm một thời gian nữa - riêng biệt, không kết nối đi lại với các nước khác.
"Chúng tôi đang trên cùng một chiến tuyến với hầu hết các quốc gia đang thực hiện những hành động quyết liệt khác. Chúng ta cùng chờ đợi vắc xin và những loại thuốc diệt virus. Hầu hết các nước châu Âu đều tuyên bố sẽ phong tỏa hàng tháng, nên chúng ta đều đang là đồng minh!" – giáo sư Michael Baker nói.