Kiểm soát lạm phát thế nào để không phải trả giá?

11/03/2022 09:18
Trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao do đứt gãy nguồn cung và giá cả xăng dầu, hàng hóa leo thang, những giải pháp như tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ,... sẽ không còn phát huy hiệu quả.

8 năm trở lại đây, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát mức lạm phát dưới 4%, kể cả trong hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Đó cũng chính là tiền đề để Chính phủ tiếp tục đặt ra mục tiêu này cho năm 2022.

Thế nhưng, bước sang năm 2022, sự leo thang của giá xăng dầu và các loại hàng hóa, cộng với sức cầu phục hồi khi mở cửa lại nền kinh tế và đặc biệt là du lịch - dịch vụ, bối cảnh thế giới thêm xáo trộn với xung đột Nga - Ukraine..., đã có những quan ngại lớn hơn về lạm phát và tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam.

Nếu như trước đây, lo ngại vấn đề lạm phát thường gắn với nỗi lo lãi suất tăng bởi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, tiền bơm nhiều và mất giá, thì nay sự lo ngại lại gắn với sự đứt gãy của nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá cả hàng hóa tăng lên, trong khi thu nhập và cầu tiêu dùng vẫn đang bị bào mòn bởi khủng hoảng COVID-19.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng, nguyên nhân gây nên lạm phát đã khác rất nhiều so với các giai đoạn trước, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp kiềm chế lạm phát cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp.

Thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và lạm phát dưới 4%

Trao đổi với BizLIVE, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, giai đoạn 2007-2008, 2010-2011, lạm phát của Việt Nam chủ yếu do chi tiêu công kém hiệu quả, các dự án đầu tư công lớn thất bại, kèm theo đó là quá trình tăng trưởng nóng, cung tiền tín dụng quá lớn, dẫn tới lạm phát tiền tệ, lạm phát do tổng cầu quá lớn khiến giá cả hàng hóa tăng lên.

Còn lạm phát hiện nay chủ yếu do giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới tăng mạnh mà nguyên nhân xuất phát từ bất ổn chính trị cộng thêm sự đứt gãy trong các chuỗi cung ứng hàng hóa do bệnh dịch gây ra.

"Có thể nói lạm phát hiện nay có bối cảnh khác so với trước đây, đòi hỏi các ứng xử về chính sách của Việt Nam cần phải khác đi", PGS.TS. Phạm Thế Anh nói.

Kiểm soát lạm phát thế nào để không phải trả giá? - Ảnh 1.

Ông phân tích, trước đây nguyên nhân của lạm phát là do bơm tiền thái quá, chi tiêu công lãng phí, kém hiệu quả. Cho nên có thể xử lý bằng cách đơn giản là làm chậm lại quá trình tăng trưởng cung tiền như tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công. Những giải pháp này có thể giúp giải quyết ngay những vấn đề lạm phát do cầu kéo, nền kinh tế phát triển quá nóng. Hay nói cách khách là làm nền kinh tế nguội trở lại.

Trong khi đó, hiện nay nền kinh tế tương đối yếu, đang trong quá trình hồi phục sau hơn hai năm chống chịu với dịch bệnh, sức mua còn khá yếu, thu nhập của doanh nghiệp và người dân trong hai năm qua giảm sút nhiều, sản xuất mới bắt đầu trở lại nhưng lại gặp phải những cú sốc từ bên ngoài như giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng…

"Lạm phát hiện nay sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, chi phí sản xuất đầu vào tăng lên khiến cho những doanh nghiệp mới quay trở lại sản xuất sẽ gặp khó khăn hơn, khó khăn chồng khó khăn, ngoài lý do bệnh dịch lại gặp thêm cú sốc giá nguyên liệu đầu vào", PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết.

Theo ông, lạm phát hiện nay một mặt vừa làm cho giá cả tăng lên, một mặt làm cho quá trình tăng trưởng chậm lại, có thể gây ra tình trạng thất nghiệp, thu nhập giảm đi.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh nhiều bất ổn hiện nay rất khó để đưa ra con số dự báo về lạm phát, nhất là khi sự bất ổn của kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine không biết kéo dài đến khi nào và giá cả hàng hóa theo đó sẽ tăng đến mức nào.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, diễn biến leo thang của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là cú sốc giá năng lượng hiện nay đang khiến cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với áp lực lạm phát.

Đặc biệt, căng thẳng địa chính trị Nga, Ukraine và phương Tây có thể còn phức tạp, khó lường và có thể ngày càng gia tăng kéo theo hệ lụy là giá năng lượng (xăng, dầu, khí đốt…), giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh; đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng…

Kiểm soát lạm phát thế nào để không phải trả giá? - Ảnh 2.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022); khi đó, sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 0,2-0,3 điểm % và lạm phát toàn cầu tăng thêm 0,4-0,5 điểm %.

Thậm chí, JP Morgan Chase & Co. còn dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm khoảng 1 điểm % (tức là giảm từ mức 4-4,5% dự báo đầu năm xuống 3-3,5%) và lạm phát toàn cầu tăng thêm 1 điểm % (lên mức 4,3-4,7%). Ở kịch bản tiêu cực hơn, các định chế quốc tế nhận định, nếu cuộc xung đột kéo dài, giá dầu sẽ bị đẩy lên mức 150-185 USD/thùng, khi đó tác động còn nghiêm trọng hơn nhiều.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, là một nền kinh tế có độ mở cao, cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.

"Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát toàn cầu cũng sẽ tạo sức ép cho các việc điều chỉnh các biện pháp điều hành kinh tế của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, cuộc xung đột này làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu khiến giá của mặt hàng quan trọng này năm 2022 có thể tăng bình quân 30-40% so với bình quân giá dầu năm 2021", ông Lực nói với BizLIVE.

Trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá tác động của giá xăng dầu tăng 10% đối với tăng trưởng, lạm phát của Tổng cục Thống kê, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thâm hụt thương mại xăng dầu sẽ lên mức 9 tỷ USD (so với mức 6,3 tỷ USD năm 2021); CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8-1 điểm %, lên mức 3,8-4,2%; GDP năm 2022 sẽ giảm khoảng 1,1-1,3 điểm %.

Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7-5,9% (so với mức dự báo 6,5-7% hồi đầu năm hay cuối tháng 2) và có thể thấp hơn, ở mức 4,5-5% nếu kịch bản xấu hơn xảy ra. "Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay", ông Lực nhận định.

Thắt chặt tiền tệ sẽ không hiệu quả và có thể phải trả giá...

Bàn về chính sách kiểm soát lạm phát, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, muốn đưa ra chính sách phù hợp phải xem nguyên nhân lạm phát đến từ đâu.

Từ phân tích ở trên nguyên nhân chính gây ra lạm phát là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, TS. Phạm Thế Anh đề xuất có thể xem xét giảm các loại thuế đánh vào các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu dựa trên căn cứ nguồn lực tài khóa hiện có.

Ông lấy ví dụ xăng dầu có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đưa vào nhóm các mặt hàng được hỗ trợ VAT trong năm nay hoặc giảm thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các nguyên liệu đầu vào khác có thể giảm thuế nhập khẩu… Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, theo ông cần phải tránh các đứt gãy trong các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Các bộ, ngành cần đảm bảo thông suốt trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu…

Thứ ba, cần phải đảm bảo duy trì giá cả sản xuất trong nông nghiệp ổn định. Bởi lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay vì nó cung cấp hàng hóa thiết yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người dân cũng như mặt hàng xuất khẩu. Do đó việc ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng sẽ giúp kiềm chế một phần lạm phát.

"Về giải pháp thắt chặt tiền tệ hay thắt chặt đầu tư công, tôi cho rằng không hiệu quả trong giải quyết nguyên nhân lạm phát hiện nay. Cái giá phải trả có thể gây ra thất nghiệp lớn, tăng trưởng thấp, làm chậm sự hồi phục của nền kinh tế", PGS.TS. Phạm Thế Anh nhìn nhận.

Kiểm soát lạm phát thế nào để không phải trả giá? - Ảnh 3.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những giải pháp trước mắt là các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine và các động thái, chính sách của phương Tây để có tổng hợp, phân tích, báo cáo và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời.

Cùng với đó, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế - xã hội theo hướng quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022.

Đồng thời, tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính, phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát.

Riêng về điều hành, kiểm soát giá xăng dầu, ông Lực cho rằng Bộ Công Thương cần phối hợp cùng các cơ quan liên quan có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đề xuất tăng tần suất điều chỉnh giá xăng dầu (thay vì 10 ngày như hiện nay.

Ngoài ra, theo ông Lực, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phù hợp đối với việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu (cân nhắc cả phương án có nên duy trì hay không, giải pháp thay thế…). Về lâu dài, có chiến lược tăng tính tự cường, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, tăng năng lực dự trữ và năng lực phân tích, dự báo trên cơ sở thông tin, dữ liệu và khoa học hơn.

Tin mới

Nếu về Việt Nam, đây có thể là "kẻ soán ngôi" Honda Vision: Thiết kế siêu xịn, trang bị vượt trội
35 phút trước
Không chỉ có thiết kế cực đẹp mẫu xe ga này còn sở hữu nhiều trang bị vượt trội so với Honda Vision.
Ứng dụng giúp việc nhà "hốt" bạc
2 giờ trước
Dịch vụ gọi giúp việc nhà qua ứng dụng (app) ngày càng được ưa chuộng khi người dùng bận rộn và chịu nhiều áp lực với công việc hơn.
Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
2 giờ trước
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Bật tăng đồng loạt phiên đầu tuần
3 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Thị trường dầu thô thế giới mở phiên đầu tuần mới tăng giá đồng loạt với mức tăng từ 0,2% theo ngày.
Giá vé máy bay Tết cao ngất, nhiều gia đình thuê xe tự lái về quê
3 giờ trước
Do giá vé máy bay Tết cao ngất ngưởng, nhiều gia đình lựa chọn phương án thuê xe tự lái để về quê, chủ động đi lại và tiết giảm chi phí.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Dầu thô Brent

BRENT CRUDE

1.902.582 VNĐ / thùng

74.84 USD / bbl

0.44 %

- 0.33

Dầu thô WTI

WTI CRUDE OIL

1.801.403 VNĐ / thùng

70.86 USD / bbl

0.53 %

- 0.38

Khí tự nhiên US

NATURAL GAS US

2.337.698 VNĐ / m3

3.39 USD / mmbtu

8.46 %

+ 0.26

Than đá

COAL

3.590.858 VNĐ / tấn

141.25 USD / mt

0.18 %

- 0.25

» Xem tất cả giá Năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Giá xăng dầu hôm nay 24/11: Dầu thô thế giới nhích tăng, giá xăng dầu trong nước tăng trở lại
1 ngày trước
Giá xăng dầu hôm nay 24/11, thị trường dầu thô thế giới đóng cửa hai ngày cuối tuần. Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Từng hứa hẹn trở thành cứu tinh khí đốt cho châu Âu, quốc gia này bất ngờ ‘quay xe’ tìm đến Mỹ để nhập hàng giá rẻ, sản lượng trong nước liên tục thiếu hụt
1 ngày trước
Từ một nguồn cung tin cậy cho EU, quốc gia này đã trở thành nhà nhập khẩu ròng LNG.
Giá xăng dầu hôm nay 23/11: Bứt tốc cho tuần leo đỉnh
2 ngày trước
Giá xăng dầu hôm nay 23/11, thị trường dầu thô thế giới đóng cửa hai ngày cuối tuần song giá chốt phiên hôm qua 22/11 đã bật tăng trở lại mạnh mẽ. Dầu WTI và Brent đều bật tăng từ 0,8 USD đến 1,1 USD/thùng so với phiên trước.
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
2 ngày trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.