Áp lực lạm phát là rất lớn
Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết áp lực lạm phát rất cao dù chúng ta duy trì được tỷ lệ lạm phát ở mức 2,25% sau 5 tháng đầu năm.
“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở nhất tại ASEAN với giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến gần 190% GDP. Do đó khi giá nguyên vật liệu, giá dầu… tăng cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiềm chế áp lực lạm phát tuy nhiên áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm cũng như năm 2023 là rất lớn”, ông Phạm Chí Quang nhận định.
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước
Ông Quang cho biết các ngân hàng trung ương các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Tính riêng trong năm 2021 đã có 113 lượt tăng lãi suất. Xu hướng thắt chặt tiền tệ tăng lên rất nhiều khi 5 tháng đầu năm 2022 (tính đến 3/6) đã có 144 lượt tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu.
“Áp lực nhập khẩu lạm phát thế giới cộng với nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong nước sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý”, ông Quang nhấn mạnh.
Về giải pháp kiểm soát lạm phát, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.
"Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro", ông Tú thông tin.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Kiểm soát room tín dụng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021.
Liên quan đến đề xuất nới room tín dụng của nhiều ngân hàng trong thời gian qua, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện xét cấp tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Trong 11 năm qua, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh, xét tăng trưởng tín dụng song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác.
Theo ông Quang, vẫn liên tục cập nhật, yêu cầu các ngân hàng tuân thủ các quy định, chuẩn an toàn như Basel II, sớm áp dụng chuẩn cao hơn là Basel III trong hoạt động quản trị của ngân hàng thương mại (NHTM). Nhưng dù cơ quan quản lý đưa ra các chuẩn mực quản trị rủi ro như thế vào hoạt động của các ngân hàng thương mại thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế hiện rất cao.
“Về mặt lịch sử có thể thấy, tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm giai đoạn trước 2011 là trên 30%, có những năm trên 53%. Mức độ tăng trưởng như vậy vượt rất xa khả năng quản trị, cân đối vốn của các ngân hàng hàng thương mại. Điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn đó là mất khả năng thanh toán", ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Theo Đại diện Ngân hàng Nhà nước, nếu không kiểm soát việc nới room tín dụng sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu, cũng như áp lực lạm phát
Với bài học kinh nghiệm này, ông Quang cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải đi “hai chân” - vừa quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế; vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại, giám sát từ sớm, từ xa, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại, nằm trong tầm kiểm soát của chính họ.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước 3 năm trở lại đây cho thấy, room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế
“Nếu nới room tín dụng áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi vì để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng”, ông Quang nhận định.