Ngày 16/2, PV Dân việt đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khi ông trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các doanh nghiệp sản xuất lợn, gia cầm lớn tại Hải Dương và Bắc Ninh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: K. Lực
Qua kiểm tra thực tế tại một số trang trại của các doanh nghiệp, Thứ trưởng có thể cho biết công tác thú y và phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay được triển khai như thế nào?
Cúm gia cầm đang xuất hiện tại 5 địa phương với 16 ổ dịch, trong đó 14 ổ dịch do cúm gia cầm A/H5N6 và 2 ổ dịch do cúm gia cầm A/H5N1. Hàng năm vào mùa vụ này thường xảy ra ở những địa phương với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa tiêm phòng vaccine.
Qua kiểm tra ở các doanh nghiệp lớn, cơ sở chăn nuôi tập trung cho thấy, việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch phòng cúm gia cầm tương đối tốt. Tỷ lệ đàn gia cầm tiêm vaccine cao và khả năng bảo hộ tương đối tốt.
Cả quá trình Bộ NN&PTNT đã giao Cục Thú y có chương trình giám sát sự lưu hành của virus, tỷ lệ dương tính còn rất thấp. Như vậy, cúm gia cầm từ thế bị động chúng ta đang chuyển sang chủ động giám sát và có phương án phòng ngừa tương đối có hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT trực tiếp vào trại nuôi gà của Dabaco kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: K.Lực
Để tiếp tục công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm và dịch tả lợn châu Phi trên lợn, Bộ NN&PTNT có những chỉ đạo tiếp theo như thế nào?
Về chỉ đạo, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Ban chỉ đạo quốc gia đã có rất nhiều văn bản và cũng tiến hành kiểm tra thực tiễn để xem các cơ sở, các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện như thế nào. Phải nói rằng, việc thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm và bệnh dịch tả lợn Châu Phi tương đối tốt.
Kết quả, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ 1/2/2019; tháng 5/2019 phải tiêu hủy 1.270.000 con lợn, nhưng đến tháng 12/2019 chỉ phải tiêu hủy 38.172 con. Và đến tháng 1/2020 phải tiêu hủy có 12.000 con; tháng 2/2020 dự kiến chỉ dưới 10.000 con lợn.
Đây chính là điều kiện rất tốt để các cơ sở chăn nuôi tập trung cũng như các gia trại, trang trại có điều kiện tái đàn. Tốc độ tái đàn ngay từ tháng 8/2019 đến nay tăng tương đối tốt. Dự kiến, kết quả tái đàn sẽ đạt đỉnh cao vào tháng 6/2020 và nguồn cung thực phẩm sẽ đáp ứng trên dưới 4 triệu tấn trong năm 2020.
Như Thứ trưởng vừa nói, chúng ta đang kiểm soát tốt các dịch bệnh trên gia cầm và lợn. Vậy Bộ đánh giá như thế nào về công tác thú y trong thời gian qua khi có nhiều bệnh dịch mới xuất hiện?
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, có tới 75% dịch bệnh từ động vật lây sang người và chúng ta thấy có những bệnh dịch nguy hiểm mới như Covid-19. Trong thời gian qua, chúng ta tổ chức chống dịch, ban hành cơ chế chính sách, chỉ đạo rất tốt. Nhưng một trong những khó khăn đó là hệ thống thú y ở huyện đang sáp nhập lại thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, khiến một số nơi lực lượng phòng chống dịch bị phân tán, công tác dập dịch, phòng chống chưa thực sự sát sao kịp thời.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch, cần tăng cường năng lực chuẩn đoán, xét nghiệm của các phòng Thí nghiệm và xây dựng được phòng sinh học cấp độ 3, có trung tâm nuôi sạch để chúng ta thử nghiệm các sản phẩm sinh học cũng như vaccine; đồng thời cấp đầy đủ hệ thống trang thiết bị, hóa chất cho các địa phương.
Việc nữa là phải khôi phục lại hệ thống thú y địa phương theo đúng Điều 6, Luật Thú y và trong Chỉ thị 34 của Ban Bí thư đã nêu rõ, Nghị quyết 42 của Chính phủ đã nêu rõ và Nghị quyết 100 của Quốc hội về chất vấn cũng đã khẳng định điều này.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ làm sao trình với Trung ương để thực hiện đúng tinh thần các văn bản chỉ đạo trên.
Hiện nay, giải pháp vaccine đối với gia cầm cũng như dịch tả lợn châu Phi đã triển khai đến đâu?
Về vaccine dịch tả lợn Châu Phi, khi dịch bệnh xảy ra, Bộ NN&PTNT đã tổ chức triển khai đề cương sản phẩm quốc gia về khoa học công nghệ và được Bộ KHCN ủng hộ rất cao.
Hiện nay, một loạt các đề tài ví dụ về đặc điểm dịch tễ của virus dịch tả lợn Châu Phi cả về phân tử, cả về hiện trường đều được triển khai. Việc nghiên cứu về vaccine vô hoạt, tái tổ hợp và nhược độc cũng đã được triển khai một cách đồng bộ. Việc nữa là nghiên cứu các chế phẩm thuốc để ức chế và xử lý được virus dịch tả lợn Châu Phi.
Cùng với đó, chúng ta phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và gần đây có một đoàn của Mỹ đã công bố nghiên cứu về vaccine dịch tả lợn Châu Phi trong phòng thí nghiệm đã được 90% và đang kết nối với Việt Nam, tập trung vào Tập đoàn Dabaco để nghiên cứu vaccine dịch tả lợn Châu Phi phù hợp với Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu và phát triển trong giai đoạn tới.
Riêng về vaccine cúm gia cầm, trong nhiều năm qua chúng ta đã nghiên cứu vaccine cúm gia cầm A/H5N1 và hiện đang triển khai tổ chức sản xuất, cung ứng, dự trữ đảm bảo đủ nguồn cung vaccine cho việc phòng chống dịch cúm gia cầm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 16/2, cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 14 ổ dịch do cúm gia cầm A/H5N6 và 2 ổ dịch do cúm gia cầm A/H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là 55.071 con. Trong ngày 16/2, có 1 ổ dịch cúm giá cầm A/H5N6 phát sinh tại tỉnh Thanh Hóa và 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Trà Vinh, cụ thể: Tại Thanh Hóa, 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm thuộc phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa với 970 gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy (70 con gà, 900 con vịt). Tại Trà Vinh, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Châu Điền và xã Hào Ân thuộc huyện Cầu Kè. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 1.704 con. |